TPHCM xin 2,4 tỷ đồng để “kiểm soát” khí thải xe máy
(Dân trí) - Xe máy hiện chiếm tới hơn 90% lượng phương tiện giao thông tại TPHCM, với hơn 7,6 triệu chiếc. Đây được xem là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí lớn nhất...
Ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường đề xuất UBND thành phố xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy trên địa bàn.
Theo Sở GTVT TPHCM, đến giữa năm 2018, trên địa bàn thành phố có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 7,6 triệu mô tô, xe máy (hơn 90%).
Sở GTVT thành phố dẫn số liệu nghiên cứu, tổng lượng xe máy trên địa bàn thành phố chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra khoảng 94% khí HC, 87% khí CO… trong tổng lượng khí thải của các loại xe cơ giới sử dụng cả xăng và dầu diesel.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nguyên liệu hóa thạch (than đá, dầu, khí…), chiếm 70-90%, chỉ 10-30% là do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt.
Trong đó, khí thải từ xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây nguy hiểm hơn nhiều so với khí thải từ ô tô đối với sức khỏe con người. Chỉ số chất lượng không khí AQI của thành phố năm 2017 là 86 (thuộc nhóm chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe của những người nhạy cảm).
Theo Sở GTVT TP HCM, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu hiện đều được kiểm soát khí thải nhưng riêng mô tô, xe máy trong quá trình sử dụng, tham gia giao thông thì chưa được kiểm soát.
“Hiện nay, ô tô đang được kiểm soát khí thải theo tiêu chuẩn Euro 3, Euro 4. Còn với xe máy thì chỉ áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 trở xuống. Ô nhiễm không khí do phát thải của xe máy ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ nhiều”, ông Lâm nói.
Theo Sở GTVT TPHCM, lượng mô tô, xe máy có tốc độ tăng nhanh, cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng khí thải kém dần. Ngoài ra, phương tiện giao thông cũ nát, kém chất lượng cũng là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội...
Theo ông Trần Quang Lâm, việc xây dựng đề án giảm khí thải xe máy cũng nhằm thực hiện 2 chương trình đột phá của thành phố là giảm ô nhiễm môi trường (giảm thiểu 70% khí thải trong hoạt động giao thông) và chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Hơn nữa, việc xây dựng đề án kiểm soát khí thải cho mô tô, xe máy tại thành phố là hết sức cấp thiết trong khi chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Sở kiến nghị UBND thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tại thành phố. Kinh phí xây dựng đề án vào khoảng 2,4 tỷ đồng.
Nếu được thông qua chủ trương, Sở sẽ thuê tư vấn lập đề án trong năm 2019, xây dựng lộ trình thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, Sở GTVT thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan đăng kiểm xây dựng mạng lưới kiểm soát khí thải.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2013 triển khai đề án tại Hà Nội và TPHCM và giai đoạn 2013-2015 mở rộng phạm vi thực hiện đề án tại một số thành phố loại 1 và loại 2.
Biện pháp chính là thực hiện kiểm tra khí thải tại các cơ sở kiểm định khí thải và tuần tra, kiểm soát trên đường bảo đảm người lái xe tuân thủ việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để mô tô, xe máy đảm bảo tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cho đến nay đề án vẫn chưa được thực hiện do nhiều lý do chủ quan và khách quan.
Quốc Anh