1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM: Xây nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại

Phương Nhi

(Dân trí) - Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với nhà ở thương mại, khiến tiến độ kéo dài thêm.

Sáng 10/3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường và đại diện các đơn vị liên quan.

TPHCM vẫn thiếu nhà ở xã hội

Mở đầu hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, thông tin, bên cạnh những lợi thế về kinh tế - xã hội, sức hút và lan tỏa lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố vẫn đang đứng trước những thách thức như tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số cao, phân bố dân cư chưa hợp lý…

TPHCM: Xây nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại - 1

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường (Ảnh: Phương Nhi).

Theo dự báo, bình quân TPHCM tăng khoảng 200.000 người/năm và 1 triệu người/5 năm. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho địa phương là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh - xã hội của một đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 9 triệu người.

Qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã phát triển khoảng 53,7 triệu m2 sàn nhà ở, vượt chỉ tiêu 34%. Tuy nhiên, địa phương vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê và nhà ở phù hợp với khả năng chi trả.

"Việc đầu tư, cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở, còn xảy ra tình trạng quá tải. Việc quản lý, vận hành nhà ở còn gặp nhiều khó khăn, bất cập…", ông Cường nhận định.

Xây nhà ở xã hội khó hơn nhà ở thương mại

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, báo cáo, giai đoạn 2016-2020, nhà ở thương mại tại TPHCM vượt 112,9% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây vượt 23,3% chỉ tiêu. Riêng nhà ở xã hội chỉ đạt 69,2% chỉ tiêu. Như vậy, so với các loại hình nhà ở khác, nhà ở xã hội chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

"Nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng. Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, nhà ở xã hội còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm", ông Khiết nói.

TPHCM: Xây nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại - 2

Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội hiện nay nhiều hơn và khó hơn nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai (Ảnh minh họa: H.P.).

Dịp này, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường cũng chỉ ra, quy hoạch sử dụng đất của thành phố thời kỳ 2011-2020 không xác định chỉ tiêu riêng cho đất xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ có chỉ tiêu chung về đất ở. Điều này gây lúng túng, thiếu chủ động trong tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, chỉ tiêu 12 triệu m2 nhà ở xã hội đến năm 2020 mới đạt hơn 30%. Nếu tính đến hiệu quả sử dụng thì còn thấp hơn nhiều. Nhìn chung còn nhiều áp lực lẫn thách thức để giải bài toán phát triển nhà ở xã hội đạt chỉ tiêu kỳ vọng.

Do đó, các sở ngành đã đề xuất nhiều giải pháp để việc xây dựng nhà ở xã hội đạt hiệu quả như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; có quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất phù hợp dành cho nhà ở xã hội...

Tại hội nghị, UBND TP cũng công bố chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2030, thành phố dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà.