Chuyên gia chỉ 2 điểm cốt yếu để thực hiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Góp ý về đề án dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chuyên gia cho rằng để thực hiện thành công phải có 2 chính sách quan trọng, đó là vốn và quỹ đất.

Giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở trong bối cảnh giá bất động sản thương mại ngày càng cao là vấn đề được cử  tri nhiều tỉnh thành quan tâm.

Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Theo đó, Bộ này thừa nhận dù đã đạt được một số kết quả song vẫn khó khăn, vướng mắc dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Về giải pháp, Bộ Xây dựng cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, Bộ cũng đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về đất đai, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính… tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Chuyên gia chỉ 2 điểm cốt yếu để thực hiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội - 1

Quỹ đất là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Đề án 1 triệu nhà ở xã hội (Ảnh: Nguyễn Thành).

Góp ý về đề án dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, để thực hiện thành công phải có 2 chính sách quan trọng. Trước hết là chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ hai, phải có quỹ đất theo quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, muốn tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thì phải có sự hợp lực của Nhà nước và các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thông qua 2 kênh: Một là, Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách trích 10% số thu tiền sử dụng đất và nguồn tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu vực quy hoạch phát triển nhà ở xã hội để có quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, hoặc doanh nghiệp sử dụng quỹ đất sẵn thực hiện dự án nhà ở xã hội.

HoREA cho rằng, nếu bỏ quy định "các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ" thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

"Như vậy sẽ làm cho giấc mơ của đông đảo người dân là người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời", lãnh đạo HoREA nêu quan điểm.

Do vậy, Hiệp hội này đề xuất bổ sung quy định "các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ". Ngoài ra, theo HoREA, bên cạnh việc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành, giá bán nhà ở xã hội thì chính sách quan trọng nhất, thiết thực nhất đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội là được "hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi dài hạn tối đa không quá 25 năm".

Về lâu dài khi nền kinh tế Việt Nam hùng mạnh hơn thì có thể kéo dài thời hạn vay ưu đãi đến 30 năm như một số nước đang thực hiện, HoREA nêu quan điểm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, tính đến hết tháng 10/2022 trên cả nước mới giải ngân được 3.017 tỷ đồng cho 8.379 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Trong đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đang xin ý kiến bộ ngành liên quan, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 1.416.700 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn.

Về nguồn lực, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổng hợp, đề xuất và cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động khoảng 1.130.000 tỷ đồng hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 khoảng 2,4 triệu căn. Số lượng căn hộ xã hội theo mục tiêu vẫn thấp hơn so với nhu cầu. Bộ này đề nghị làm rõ lý do và tác động của việc đề xuất mục tiêu đề án thấp hơn so với nhu cầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đề án có mục tiêu cụ thể về số lượng nhà ở xã hội nhưng chưa xác định cụ thể về nguồn lực thực hiện đề án theo từng giai đoạn. Bộ Xây dựng cần xác định rõ nhu cầu, nguồn lực thực hiện đề án.