1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Vay 7.900 tỷ đồng tiếp tục nạo vét luồng Soài Rạp

(Dân trí) - Việc đầu tư nạo vét, nâng cấp mở rộng luồng Soài Rạp góp phần hoàn chỉnh hệ thống cảng biển thành phố. Qua đó, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.

UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ vận động nguồn vốn vay ODA và các vốn vay ưu đãi khác để thành phố vay 7.900 tỷ đồng (tương đương 380 triệu USD). Số tiền trên sẽ được dùng để đầu tư nạo vét, nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu tải trọng trên 50.000 tấn ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp.


Tàu chở hàng cập cảng Tân Cảng – Hiệp Phước

Tàu chở hàng cập cảng Tân Cảng – Hiệp Phước

Theo UBND TP, luồng Soài Rạp là tuyến hàng hải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển của TPHCM và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu của thành phố năm 2014 đạt hơn 89.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa qua khu vực cảng TPHCM đạt 44,5 triệu tấn (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó, hàng hóa qua cảng Hiệp Phước là hơn 4,1 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2014. Dự báo sản lượng hàng hóa qua cảng biển TPHCM đến cuối năm 2015 sẽ đạt 100 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ đạt trên 150 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã và đang đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu vực cảng Hiệp Phước.

Khởi công từ cuối năm 2012 và hoàn thành vào tháng 6/2014, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) có chiều dài 54 km. Tổng số vốn để nạo vét luồng Soài Rạp là gần 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Vương quốc Bỉ hơn 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Đây là tuyến vận tải thủy thứ 2 cho tàu biển vào TPHCM, đảm bảo cho tàu 30.000 tấn đầy tải và tàu 50.000 tấn giảm tải vào chở hàng tại các khu cảng dọc sông Soài Rạp.

Theo định hướng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển TPHCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Trong đó, khu bến Hiệp Phước là khu bến tổng hợp, chuyên dùng phát triển thay thế các bến hiện có trên sông Sài Gòn, là đầu mối tiếp chuyển hàng xuất nhập khẩu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở 4.000 TEU (container 20 feet).

Quốc Anh

TPHCM: Vay 7.900 tỷ đồng tiếp tục nạo vét luồng Soài Rạp - 2