TPHCM ứng dụng công nghệ GIS để chống ngập
(Dân trí) - Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TPHCM báo cáo về kết quả thực hiện dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho hệ thống thoát nước TPHCM.
Theo đó, dự án do UBND TPHCM làm chủ quản và phê duyệt năm 2020, được tài trợ bởi Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) quản lý.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng quản lý hệ thống thoát nước của thành phố bằng; giảm tình trạng ngập lụt, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực do ngập lụt đối với đời sống người dân, kinh tế - xã hội.
Diện tích áp dụng GIS dự kiến khoảng 124km2, được giới hạn trong phạm vi: phía bắc đến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, phía nam đến đường Nguyễn Văn Linh, phía đông đến rạch Ông Lớn, phía tây đến sông Cần Giuộc (giáp tỉnh Long An).
Cụ thể, quy mô trên sẽ chạy qua toàn bộ quận 7 (khoảng 27km2), một phần quận 8 (8,71km2), một phần huyện Nhà Bè (khoảng 42,1km2) và một phần huyện Bình Chánh (46,19km2), được lắp đặt toàn bộ với đường ống loại 1.
Tổng giá trị dự án trên là hơn 75 tỷ đồng (2,5 triệu bảng Anh) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Vương quốc Anh.
Để xây dựng dự án, Sở Xây dựng TPHCM đã cùng các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong nước và quốc tế để khảo sát, tính toán, góp ý các kết quả, sản phẩm chính của dự án, dựa trên các mô phỏng ngập lụt đô thị và kinh nghiệm chống ngập tiền lệ.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng ở TPHCM còn gặp một số hạng mục, nhiệm vụ chưa được góp ý, đánh giá hoàn chỉnh.
Đến nay, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP, muốn xác định các kết quả đã đạt được có thể áp dụng ngay vào thực tiễn, còn các kết quả chưa hoàn thiện sẽ bổ sung và đề xuất phương án xử lý.
Nói về tình hình mưa ngập tại TPHCM, ông Đỗ Tấn Long, Phó giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, từ đầu năm 2023 TPHCM có 15 tuyến đường trục chính và nhiều tuyến hẻm (đặc biệt ở khu vực vùng ven) bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Trong đó có 3 khu vực thường xuyên bị ngập do mưa tập trung ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, thực tế, tình trạng ngập ở thành phố liên tục diễn ra từ khoảng cuối tháng 5 khi Nam Bộ bắt đầu mùa mưa. Các điểm ngập ở nhiều trục đường chính cho tới ngõ hẻm khắp các quận, huyện kể cả đường mới làm và đường có bề mặt thấp, ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt người dân.
Nói riêng về tình trạng ngập úng trên địa bàn quận 7, ông Đỗ Tấn Long thông tin, đặc điểm địa hình địa phương tương đối thấp, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường, bên cạnh đó hệ thống kiểm soát triều đang được đầu tư nhưng chưa hoàn thành nên chưa phát huy hiệu quả.
Thành phố đã và đang đầu tư nhiều công trình để giải quyết ngập, gồm dự án giải quyết ngập do triều TPHCM (có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1), đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng. Vì nhiều lý do dự án này bị gián đoạn nhiều năm qua. Theo thông báo của nhà đầu tư thì dự án đã khởi động thi công trở lại.
Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) có chức năng thu thập, lưu trữ, kiểm tra và hiển thị dữ liệu liên quan các vị trí trên bề mặt trái đất (như địa chỉ, đường phố, tòa nhà...).
Ưu điểm của bản đồ GIS ứng dụng vào các công trình đô thị là người dùng (đơn vị quản lý) có thể tìm kiếm, theo dõi các vị trí của công trình đó, kèm theo hệ thống rất nhiều dữ liệu liên quan như dân số, khu dân cư, đường sá, đường dây điện, trường học, nhà máy...
Hồi tháng 3, UBND quận 1 giới thiệu ứng dụng công nghệ GIS trong việc quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực trên địa bàn quận. Cụ thể, quận đã triển khai thí điểm công nghệ này đối với thủ tục cấp mới giấy phép sử dụng tạm vỉa hè (từ 7/11 đến 31/12/2022).