Dự án "hồi sinh" tuyến kênh dài nhất TPHCM đã có dãy lan can đầu tiên
(Dân trí) - Sau 6 tháng khởi công dự án xây dựng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đôi bờ hơn 31km của tuyến kênh đã có diện mạo mới.
"Khi tuyến kênh hoàn thành sẽ có đôi bờ lan can như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với cảnh quan hai bên rộng thoáng hơn", đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (Ban Hạ tầng) giới thiệu với phóng viên.
Lan can bờ kè đầu tiên của dự án nằm trong gói thầu XL-09 đoạn sông Vàm Thuật - Bến Cát - Trường Đai - kênh Tham Lương, phía cuối dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Dọc tuyến kênh dài 31,64km mới có khoảng vài mét lan can nói trên. Tại các vị trí khác, hạng mục kè đang dần thành hình khoảng 10% toàn tuyến kênh, được quây bằng dãy cừ bê tông cốt thép được đóng dọc bờ kênh. Trong dự án, hạng mục xây dựng kè bờ ven kênh dài 63,11km và hạng mục nạo vét kênh dài 31,64km.
"Kết cấu bờ kè được thi công đảm bảo về chất lượng lẫn thẩm mỹ từ trong ra ngoài. Tại những vị trí địa hình thuận lợi, tiến độ thi công bờ kè đang được hoàn thiện trước", kỹ sư đơn vị thầu của dự án chia sẻ.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc quản lý dự án, cho biết, sau gần nửa năm trên công trường toàn dự án có khoảng 110 thiết bị thi công các loại, 350 công nhân được phân chia phù hợp với địa hình và địa chất của từng khu vực để triển khai các hạng mục công trình.
Dự án được chia làm 10 gói thầu trải dài qua 7 quận, huyện (bắt đầu từ huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, 12, Bình Thạnh), đồng loạt khởi công ngày 23/2. Hiện nay có 9 gói thầu được triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Theo ghi nhận của phóng viên, những đoạn của dự án chưa được hình thành vào xây dựng kết cấu bờ kè nằm phần lớn ở đầu tuyến kênh phía huyện Bình Chánh, quận Bình Tân do gặp vướng mắc về mặt bằng.
Giám đốc ban quản lý dự án cũng nêu, trong quá trình triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến của dự án thì có rất nhiều các khó khăn vướng mắc như thu hồi mặt bằng một số vị trí bị tái lấn chiếm. Chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các địa phương, các sở ngành, các đơn vị có liên quan để từng bước tháo gỡ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công.
Sau giai đoạn 1 của dự án từ năm 2002 (giải phóng mặt bằng), tình trạng ô nhiễm vẫn hiện hữu, rác thải tràn lan, nước kênh đen kịt, đường sá xuống cấp, nhà cửa tái chiếm mặt bằng... do tiến độ thi công bị tạm ngưng quá lâu.
Ngoài ra còn một số vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến bãi chứa bùn đất nạo vét từ lòng kênh; mặt bằng dự án hiện bị phủ rất nhiều đất bùn, rác thải, cây cỏ dại; chưa di dời hệ thống cấp thoát nước, đường dây điện cao thế, một số hộ dân… gây cản trở đến công tác thi công.
Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh (31,46km), xây bờ kè toàn tuyến (63,11km), xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh, đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng và 12 bến thuyền.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ đạt mục tiêu về giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 14.900ha của thành phố, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông các khu dân cư quanh tuyến kênh, tăng năng lực giao thông đường bộ và đường thủy.
Tương lai của dự án "hồi sinh" tuyến kênh dài nhất TPHCM (Ảnh phối cảnh: Ban Hạ tầng).
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách thành phố là 4.200 tỷ đồng.
Đến nay dự án đã giải ngân được 236,7/1.650 tỷ đồng, đạt 14,35%. Dự kiến trong năm 2023, dự án đạt tỷ lệ giải ngân 100% theo kế hoạch vốn đã đề ra.
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có vị trí quan trọng trong việc liên kết các khu vực của thành phố và vị trí chiến lược trong phát triển tuyến giao thông đường thủy nội địa cấp 5, rút ngắn quãng đường di chuyển từ sông Sài Gòn đến sông Chợ Đệm, kết nối tỉnh Đồng Nai với Long An (Đồ họa: Phương Nhi).
Sáng 13/6, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đi giám sát thực tế dự án và yêu cầu ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025.
"Để hoàn thành dự án vào năm 2025 là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với các đơn vị. Nay tiến độ thi công của dự án cơ bản đã đáp ứng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các sở ngành cần phải khẩn trương phối hợp để giải quyết các khó khăn", ông Nên nhấn mạnh.
"Việc triển khai thi công hoàn thành dự án chắc chắn sẽ là bước đột phá cho hạ tầng đô thị thành phố, chỉnh trang và tôn tạo diện mạo đô thị", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, phát biểu tại lễ khởi công dự án hồi 23/2.