TPHCM sẽ đấu thầu công khai các dự án hợp tác công tư
(Dân trí) - Hầu hết các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) đều do nhà đầu tư đề xuất và thực hiện theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, tuy nhiên lại có lỗ hổng rủi ro trong chỉ định thầu.
Ngày 3/7, HĐND TPHCM có buổi giám sát UBND TPHCM về việc chấp hành pháp luật trong các dự án đầu tư hợp tác công tư (PPP).
Theo báo cáo của UBND TPHCM, thông qua hình thức BT, trong giai đoạn 2015-2017, thành phố đã huy động 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, góp phần giải quyết nhu cầu phát triển, nâng cao điều kiện sống cho người dân, giảm kẹt xe, ngập nước…
Một số công trình tiêu biểu như: cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, mở rộng Xa Lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng…
Tuy nhiên, việc triển khai kêu gọi các dự án hợp tác công tư vẫn còn những khó khăn. Các quy định của hình thức PPP vẫn còn chưa nhất quán, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hình thức PPP rất nhiều, phức tạp với 15 luật và nghị định, 28 thông tư liên quan, có một số quy định chưa rõ ràng.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định về bố trí nguồn vốn ngân sách Thành phố để thanh lý hợp đồng đã ký kết khi không tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP mà chuyển sang sử dụng nguồn vốn ngân sách TP.
Hầu hết các dự án theo hình thức BT đều do nhà đầu tư đề xuất và chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định nhà đầu tư.
Quỹ đất dành cho thanh toán theo hình thức BT do các sở, ngành, quận, huyện quản lý riêng lẻ nên công tác rà soát, tổng hợp, tham mưu, thẩm định còn nhiều bất cập, không đồng bộ, không minh bạch…
Theo quy định hiện hành, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư một dự án PPP thông thường mất khoảng 2 năm, qua 5 bước. Thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư.
Đại biểu Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế TPHCM - đề nghị giảm thời gian thực hiện từ 2 năm xuống còn 6 tháng. Đồng thời, các dự án còn tràn lan nên cần dứt điểm, đầu tư vào những lĩnh vực đột phá.
"Phải giải quyết dứt điểm cái nào ra cái đó. Quá nhiều dự án lại lãng phí và tốn kém. Nên là dồn hết sức, đánh có trọng tâm", ông Thắng nói.
Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP - cho rằng, nhìn chung tiến độ các dự án còn chậm do nhiều lý do. Điều này dẫn đến chi phí tăng, đội vốn. Vì vậy các đơn vị liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ.
"Dự án càng kéo dài thì chi phí quản lý dự án, chi phí trượt giá tăng. Tăng thì chi phí thanh toán lại cho nhà đầu tư tăng hơn nhiều. Do đó, khi quyết định thực hiện dự án PPP cần phải có cơ chế chặt chẽ trong cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, xác định phần tài sản, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư chặt chẽ hơn", ông Bình nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, các hình thức hợp tác công tư cơ bản mà thành phố triển khai là BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BT.
Thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Vì thế, Nhà nước cần có sự liên liên kết với tư nhân để xã hội hóa đầu tư hạ tầng.
Theo ông Hoan, hiện khâu lựa chọn nhà đầu tư đang có lỗ hổng rủi ro trong khâu chỉ định thầu và phần thiệt thòi về phía Nhà nước. Việc thanh toán quyết toán còn khó khăn, doanh nghiệp chủ yếu chọn thanh toán bằng đất nên vướng nhiều quy định.
Vì vậy, TPHCM đang kiến nghị Trung ương quy trình cụ thể để thực hiện, nhất là việc chuẩn bị quỹ đất. Thành phố sẽ chủ động đề xuất dự án, dự án nào nguồn lực như thế nào cũng sẽ chuẩn bị kỹ, tổ chức đấu thầu công khai.
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, do đi đầu, đi trước các địa phương khác nên quá trình thực hiện theo hình thức PPP đã có những cái mới phát sinh, chưa "chuẩn" với quy định hiện hành.
Thành phố đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhưng chưa có thứ tự ưu tiên. Các sở ngành chưa chủ động kêu gọi mà đa số các dự do các nhà đầu tư chủ động đề xuất, rồi sau đó chính quyền xem xét, rà soát và chấp thuận. Điều này dẫn đến việc chưa đảm bảo công bằng để tạo sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.
"Việc dự án bị tăng chi phí đầu tư do kéo dài thời gian cũng có trách nhiệm của các sở ngành, quận huyện", bà Thắng nói.
Phó Chủ tịch HĐND TP và đề nghị UBND TP phải sớm ban hành được quy trình cụ thể đối với việc thực hiện từng loại hợp đồng của dự án theo luật PPP mới vừa được Quốc hội ban hành, đồng thời sớm có quy chế phối hợp trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư.
TPHCM đang quản lý 22 hợp đồng dự án đầu tư hợp tác công tư đã ký kết hợp đồng, đang triển khai với tổng mức đầu tư là 64.244 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỷ đồng; đang kêu gọi đầu tư 293 dự án theo hình thức PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, văn hoá, giáo dục…với tổng số vốn dự kiến là 910.426 tỷ đồng.
Quốc Anh