1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM phải thay đổi 3 điều nếu muốn có 180km metro trong 11 năm

Q.Huy

(Dân trí) - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để đạt mục tiêu xây dựng 180km metro trong 11 năm tới, TPHCM phải đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức và đổi mới về vấn đề pháp lý.

Tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 ở TPHCM sáng 3/8, lãnh đạo UBND thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học nêu những vướng mắc của địa phương thời gian qua. Đồng thời, nhiều giải pháp gỡ vướng cũng được các đại biểu đề xuất để TPHCM khơi thông nguồn lực phát triển.

Trong đó, các chuyên gia góp ý cho TPHCM về giải pháp để đạt sự đồng thuận cao của người dân trong vấn đề thu hồi đất, thực hiện dự án và thực hiện mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở). Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM đang chuẩn bị cho đề án xây dựng 180km metro từ nay đến năm 2035.

TPHCM phải thay đổi 3 điều nếu muốn có 180km metro trong 11 năm - 1

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý cho TPHCM về việc thực hiện 180km metro (Ảnh: Q.Huy).

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mục tiêu xây dựng 180km đường sắt đô thị trong 11 năm tới là điều không dễ dàng đối với TPHCM. Để làm được điều đó, thành phố phải đổi mới tư duy, đổi mới cách thức tổ chức và đổi mới về vấn đề pháp lý.

Ông Ngô Viết Nam Sơn lấy ví dụ, khi áp dụng mô hình TOD vào tuyến metro, số tiền thu lại có thể bằng với nguồn tiền thành phố bỏ ra để đầu tư. Tuy nhiên, thành phố phải thật sự đổi mới về mặt tư duy và có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

"Đối với dự án TOD, tư duy kinh tế thị trường là điều cốt lõi, tạo ra được nguồn tài chính. Thành phố cần suy nghĩ đến lợi ích của tất cả người liên quan từ chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp cho tới người dân. Mô hình TOD sẽ tạo thêm nguồn thu ngân sách từ bản thân dự án, giảm lệ thuộc vào ngân sách Trung ương", KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Về mặt đổi mới phương pháp tổ chức, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để làm gấp rút 180km metro trong 11 năm, mỗi sở, ngành của thành phố đều phải xắn tay vào làm và cam kết tiến độ. Từng sở, ngành sẽ phụ trách từng phần việc khác nhau để đạt được mục tiêu chung của toàn thành phố.

"Người xưa có câu nói nếu có 6 giờ để chặt cây thì hãy bỏ ra 4 giờ để mài rìu. Nếu chúng ta có 11 năm để làm 180km metro thì nên mạnh dạn bỏ ra 3-4 năm để làm tốt việc kết nối xe buýt, thu hút người dân sử dụng hàng ngày, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và từ đó nhân rộng sang các tuyến còn lại", KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.

TPHCM phải thay đổi 3 điều nếu muốn có 180km metro trong 11 năm - 2

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận (Ảnh: Q.Huy).

TS Trần Du Lịch cho rằng, trong việc thực hiện mô hình TOD, thành phố cần thực hiện đấu giá tiền sử dụng đất và dùng tiền thu được để thực hiện dự án, không hòa cùng với ngân sách chung. Thành phố có thể sử dụng trái phiếu để thanh toán cho khâu đền bù và khi thực hiện xong dự án TOD thì hoàn trả.

Tại hội nghị, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận, nêu lại bài học trong giai đoạn đầu thu hồi đất để xây dựng khu chế xuất, giá đền bù được đưa ra cao gấp 2-3 lần giá thị trường, người dân rất hưởng ứng. Nhưng sau đó 10 năm, khi khu chế xuất ngày càng phát triển, giá đất cao gấp 10-20 lần, người dân đã có phản ứng ngược lại.

"Do đó, khi thu hồi đất làm dự án TOD, chi phí thu hồi đất thay vì trả bằng tiền mặt thì có thể tính toán chuyển thành cổ phần. Người nhận đền bù được hưởng lợi nhuận theo thời gian", ông Phan Chánh Dưỡng nêu giải pháp.

Đồng tình với đề xuất này, PGS TS Võ Trí Hảo cho rằng, nếu chỉ thực hiện bồi thường bằng tiền, người dân có đất bị thu hồi chưa chắc có sự thỏa mãn do vấn đề lạm phát, trượt giá. Để tăng sự đồng thuận, thành phố có thể nghiên cứu giải pháp bồi thường bằng tiền và một dạng lợi ích khác khi bất động sản khu vực đó lên giá.

Ông Võ Trí Hảo phân tích, theo lý thuyết kinh tế, giá trị của 100ha đất ban đầu chắc chắn sẽ khác so với cùng diện tích đất đó nhưng đổ hàng tỷ đô vào đầu tư. Giá trị của bất động sản sẽ tăng khi có vốn tập trung tăng.

"Theo hướng đền bù bằng cổ phần hóa, người dân được trả trước một phần, phần còn lại sẽ được trả dần theo giá trị tăng lên theo thời gian của bất động sản. Với giải pháp này, tôi cho rằng người dân sẽ ủng hộ khi giá đất càng tăng thì người dân có đất bị thu hồi càng hưởng lợi", PGS TS Võ Trí Hảo nói thêm.