TPHCM: Nước ngầm đang bị khai thác quá mức

(Dân trí) - Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, mỗi ngày người dân TPHCM khai thác hơn 524.000 m3. Trong khi đó, lượng nước ngầm bổ sung tự nhiên chưa đến 200.000 m3/ngày.

TPHCM đang lún vì khai thác nước ngầm?

Trong buổi giám sát ngày 8/9 của Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TP tại Sở TNMT, đại biểu Đặng Văn Khoa đã nêu câu hỏi ấy. Chính trong bản Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đề cập đến khả năng TP đang lún vì nhiều nguyên nhân, trong đó có khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ.

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở TNMT, cho rằng: “Chưa có cơ sở khoa học nào để có thể kết luận như vậy”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là: nếu tình trạng khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay vẫn tiếp diễn thì 28 năm sau, TP sẽ bị lún thêm khoảng 0,5 cm.

Đó là dựa trên tính toán mỗi ngày TP khai thác 524.000 m3 nhưng thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều vì đây chỉ là thống kê năm 2000. Và trong số gần 10.000 giếng nước ngầm mà Sở TNMT thống kê được thì Sở chỉ quản lý chưa đến 1.000 giếng nên cũng không chắc chắn được lượng nước khai thác hàng ngày. Do vậy, hiện tượng lún vì khai thác nước ngầm có thể diễn ra nghiêm trọng hơn ước đoán trên.

Ảnh hưởng đầu tiên có thể thấy trước nhất là mực nước ngầm một số nơi của TP đang có dấu hiệu tụt giảm. Ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, cho biết: “Thời gian qua, mực nước trong nhiều giếng khai thác nước ngầm của chúng tôi bị sụt đến mức không thể khai thác được, phải bỏ giếng”.

Không thể quản

Nhận ra ảnh hưởng nghiêm trọng của việc khai thác nước ngầm quá mức, ngay từ tháng 5/2007, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND quy định việc hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác trái phép vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TNMT, khẳng định là không thể quản lý hết được tình trạng khai thác nước ngầm. Ngay đến việc thống kê tất cả các giếng khai thác nước ngầm hiện có tại TP cũng là việc không thể, vì Sở quá thiếu nhân lực.

Ngoài ra, người dân khai thác trái phép cũng vì nhu cầu. Vì mỗi ngày nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân TP ước hơn 1,7 triệu m3 ngày/đêm nhưng khả năng cung cấp từ các nhà máy nước trên sông Đồng Nai, Sài Gòn chỉ chừng 1,2 triệu m3/ngày. Khoản còn lại, người dân đành khai thác nước ngầm.

Do vậy, giải pháp căn cơ cho vấn đề này không chỉ là cấm, quản, mà phải cung cấp nước sạch đủ và rẻ cho người dân sử dụng. UBND TP cũng đã nhận ra vấn đề nên vừa chấp thuận chủ trương cho các cơ quan chức năng nghiên cứu vừa thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nước thay thế nước ngầm cung cấp cho người dân.

Theo đó, TPHCM sẽ đầu tư thêm hàng ngàn tỉ đồng từ nay cho đến năm 2010 để lắp đặt các đường ống dẫn nước về các khu vực chưa có nước sạch, hạn chế việc sử dụng nước ngầm. Mục tiêu là giảm khai thác nước ngầm xuống 100.000 m3/ngày trong năm 2010.

Tùng Nguyên