1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM muốn làm 10 tuyến metro trong 20 năm

Thư Trần

(Dân trí) - TPHCM xác định mục tiêu hoàn thành 355km metro vào năm 2035 thay vì kế hoạch trước đó là 183km vào năm 2035 và xong toàn bộ mạng lưới vào năm 2045.

Chiều 10/12, UBND trình HĐND TPHCM đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, TPHCM xác định mục tiêu hoàn thành 355km metro vào năm 2035 thay vì kế hoạch trước đó là 183km vào năm 2035. Đồng thời, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 510km hệ thống metro vào năm 2045, thay vì vào năm 2060. 

Trong tờ trình, TPHCM đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355km với tổng mức đầu tư sơ bộ 40,21 tỷ USD vào năm 2035. Đến năm 2045, TPHCM hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km.

TPHCM muốn làm 10 tuyến metro trong 20 năm - 1

TPHCM muốn rút ngắn thời gian hoàn thành mạng lưới metro (Ảnh: Hải Long).

Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, mục tiêu này nhằm rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km vào năm 2045 thay vì đến năm 2060.

"Việc sớm phủ mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai", ông Lâm nói.

Để hoàn thành mục tiêu trên, TPHCM đề xuất 43 cơ chế, chính sách đột phá với 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư... 

Trong số đó, đề án được áp dụng một số cơ chế, chính sách tương tự từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Về nguồn vốn, đề án của TPHCM xác định đầu tư công có vai trò chủ đạo và quyết định đến việc xây dựng hệ thống metro. Trong quá trình triển khai, TPCHM tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro có tiềm năng thương mại.

Đối với nguồn vốn ngân sách, TPHCM sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. 

Bên cạnh đó là huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.