TPHCM muốn “hóa rồng”: Có nên lấy Thượng Hải làm mục tiêu phấn đấu?
(Dân trí) - “Muốn tích tụ năng lực thì hãy tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu trong 2 năm nữa, Bí thư Thăng tạo được môi trường như vậy thì tôi tin rằng sau 3 năm tiếp theo, TP sẽ rất sống động. Lúc đó, tàu đã vào đường ray thì không bao lâu nữa sẽ bằng Thái, Singapore”, TS Đinh Thế Hiển kỳ vọng.
Thưa TS Đinh Thế Hiển, là một trong những chuyên gia kinh tế sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, ông cũng đã trải qua từng gia đoạn thăng trầm của thành phố (TP). Khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành đầu tàu của cả nước, hàng đầu khu vực và như Thượng Hải (Trung Quốc), hẳn ông cũng có nhiều trăn trở tâm huyết?
TS Đinh Thế Hiển: Cũng có nhiều phàn nàn về TPHCM là phát triển không tương xứng nhưng cũng khẳng định rằng TPHCM vẫn là đầu tàu cả nước về mọi chỉ tiêu. Hàng ngày, các bến xe vẫn có những nhân tài, sinh viên tốt nghiệp đổ tới TP. TPHCM vẫn phát triển được nghề nghiệp cho nhiều người, điều đó chứng tỏ TP vẫn đang năng động.
Tôi thống nhất với Bí thư Đinh La Thăng là TP phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhưng tôi cũng rất băn khoăn, chưa đồng tình với Bí thư về hướng tới mô hình của Thượng Hải.
Mặc dù Thượng Hải là TP giàu có, phồn vinh nhưng kinh tế của Trung Quốc vẫn có nhiều dấu hỏi trong mô hình tăng trưởng. Tôi muốn nhắm tới một TP có sự phát triển cân bằng như Châu Âu, Mỹ. Nơi đó thương mại dịch vụ kinh doanh sống động nhưng có nền tảng của giáo dục khoa học, văn hóa.
Hiến kế giúp TPHCM sớm “hóa rồng”.( Clip: Phạm Nguyễn)
Thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn làm Chủ tịch, Bí thư TPHCM có nhiều chính sách cởi mở phát triển TP. Ông đánh giá như thế nào về thời đó so với bây giờ?
Những kết quả TP bây giờ đạt được vượt xa thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng nếu nói sự đột phá từ KHÔNG thành CÓ thì thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt vượt trội hơn. Thời đó, Chủ tịch, Bí thư TPHCM Võ Văn Kiệt đã làm được 2 nhiệm vụ chính là tụ hội nhân tài và tin tưởng vào doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Những nhân tài lúc đó đang chán nản, không biết hướng đi, bất mẫn vì không được tin tưởng. Thủ tướng Kiệt đã làm cho họ tự tin, giao quyền, thậm chí giao quyền không điều kiện.
Giờ đây, nhiệm kỳ của Bí thư Thăng, tôi cảm thấy mọi người đang rất kỳ vọng ông ấy cũng làm được đột phá như thời ông Kiệt. Tôi mong ông Thăng hãy như bác Kiệt. Hãy tin tưởng sử dụng đội ngũ trí thức thật sự và hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh phát triển chứ không áp đặt chỉ huy hay ưu ái cho một ông nào.
Hiến kế giúp TPHCM sớm “hóa rồng”. (Clip Phạm Nguyễn)
TPHCM có hàng ngàn nhân tài. Chúng ta có cách nào để quy tụ và sử dụng được nguồn chất xám trong việc đột phá phát triển TP, thưa ông?
Câu hỏi rất lớn của Bí thư Thăng là làm sao để TPHCM là số 1. Muốn đạt mục tiêu nhanh chứ để 30 năm nữa thì quá dễ. Nguyên lý từ phát triển công ty, đô thị hay quốc gia, muốn nhanh thì phải dùng tích tụ chứ không tích lũy. Tích lũy là cái mình tự làm từ từ nhưng tích tụ là tập hợp các nguồn lực lại.
TP này tích lũy nội lực sống động trong quá tình phát triển nhưng muốn trở thành thành số 1 thì phải tích tụ. Phải tập hợp nhân tài.
Trà Vinh là tỉnh lạc hậu về hạ tầng nhưng có 1 doanh nghiệp công nghệ cao từ bằng sáng chế của Mỹ, thực sự cạnh tranh với Mỹ về mực in. Tôi hỏi ông chủ doanh nghiệp đó là vì sao ông lại về Trà Vinh trong điều kiện khó khăn. Ông ấy nói vì tôi là người con Trà Vinh nên tôi có nhiệm vụ đem công ty về Trà Vinh.
Sài Gòn trong suốt mấy chục năm nay có bao nhiêu người con giỏi như vậy? Tôi cho rằng gấp trăm, ngàn lần. Nếu những người đó về như doanh nghiệp ở Trà Vinh thì TPHCM này không phải có 1 mà 100, 1.000 doanh nghiệp. Chỉ cần 100 doanh nghiệp như vậy về TPHCM thôi thì chuyện tích tụ đã hoàn toàn đủ nền tảng rồi.
Doanh nghiệp chỉ về khi có môi trường kinh doanh tốt, có sự tin cậy, không phải bằng lời hứa, tình thân. Nếu chúng ta tin bằng lời hứa, tình thân thì chỉ có 2, 3 người. Ví dụ Bí thư Thăng bằng quan hệ, biết những doanh nghiệp giỏi mời về thì rất ít.
Tạo sự tin cậy bằng môi trường, bằng thông tin minh bạch, hành lang pháp lý thông thoáng thật sự, sự hỗ trợ trực tiếp của Chủ tịch, Bí thư TPHCM. Tất cả các giám đốc Sở đều phải thực hiện theo đúng sự thông thoáng đó.
Sự tích tụ nhân tài. (Clip: Phạm Nguyễn)
Phải có chuỗi cung ứng tốt
Thử hình dung TPHCM đầu não, các tỉnh thành lân cận như là tay chân. Ông có ý tưởng gì về việc phát triển để giảm bớt áp lực cho TP?
Năm 2008, một tập đoàn của Việt Nam tin tưởng rằng những chung cư mình xây dựng có giá thành rẻ nhất vì tự cung cấp được gạch, gỗ do mình sản xuất. Theo tôi, tư duy đó đi ngược mô hình tổ chức của thế giới. Đó là mô hình kiểu cũ, của thập niên 50, 60 thế kỷ 20. Mô hình đó đã tỏ ra lỗi thời bởi sự sáng tạo quá nhanh.
Hãng Apple có bộ máy sáng tạo nằm ở Mỹ, nhà máy ở Trung Quốc, tai nghe giao cho công ty của Singapore sản xuất.
Tại TPHCM, những nhà máy với số lượng vài trăm ngàn công nhân nên dời về Bình Dương, Long An. TPHCM mà tiếp nhận những công ty gia công như vậy là đồng thời tiếp nhận mấy trăm ngàn công nhân trình độ thấp, phải lo nhà ở, hạ tầng trong khi chuyện đó các tỉnh đang làm.
TPHCM phải tập trung những công ty đầu mối, công ty mẹ để phát triển thị trường, thương hiệu, mẫu mã, quy trình sản xuất và chọn lựa những nhà máy thích hợp ở các địa phương để sản xuất và sử dụng mô hình chuỗi cung ứng. Có vậy mới thực sự là TP sáng tạo. Giá trị gia tăng rất lớn, tập trung những con người trí tuệ nhưng đồng thời cũng làm cho các tỉnh cũng đều kết nối theo, xứng đáng là động lực nền kinh tế trọng điểm phía Nam.
TPHCM không cạnh tranh với các tỉnh mà hỗ trợ các tỉnh. TPHCM được 1 đồng thì các tỉnh lân cận được nửa đồng.
Thưa ông, vậy theo ông mục tiêu trở TPHCM trở thành TP số 1 thì cần “hoạch định” trong thời gian bao lâu?
Có những cái chúng ta cứ tưởng 30 năm mới bằng Thái Lan nhưng vẫn có thể đạt được trong một sớm một chiều.
Nhanh hay chậm không phải là cấp số cộng mà là cấp số nhân. Nếu biết tích tụ năng lực thì tạo cấp số nhân. Còn muốn tích tụ năng lực thì hãy tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu trong 2 năm nữa, Bí thư Thăng tạo được môi trường như vậy thì tôi tin rằng sau 3 năm tiếp theo, TP sẽ rất sống động. Lúc đó, tàu đã vào đường ray thì không bao lâu nữa sẽ bằng Thái, Singapore…
Đề án trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Clip: Phạm Nguyễn)
Được biết năm 2009, ông từng có đề án kinh tế gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đề án đó đã “hiện diện” trong cuộc sống chưa? Và bây giờ ông có hiến kế gì cho Bí thư Thăng?
Lúc đó, chúng ta xác định doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo thì tôi lại cho rằng hãy coi công ty cổ phần đại chúng là chủ đạo. Công ty cổ phần đại chúng không mâu thuẫn gì đến kinh tế thị trường mà chúng ta phát triển. Công ty tập hợp vốn của đại chúng, quản trị hiện đại, đứng đầu chuỗi cung ứng. Nếu có những công ty đứng đầu từng chuỗi như vậy thì chúng ta có sức cạnh tranh.
Hãy trở lại nguyên lý cơ bản của phát triển một thành phố là năng lực cạnh tranh. Vùng nào có năng lực gì thì hãy tập trung thế mạnh đó. Miền Trung có năng lực nghề cá thì hãy tập trung về nghề cá, không nên đặt nhà máy công nghiệp ở đó. Không nên hình thành những khu công nghiệp theo kiểu miền Nam có thì miền Trung cũng có. Nếu có khu công nghiệp thì cũng nên chuyên biệt phục vụ cho nghề cá.
TPHCM hãy tập trung vào thương mại cao cấp, dịch vụ cao cấp.
Xin cảm ơn ông!
Công Quang - Phạm Nguyễn