TPHCM: Mô hình chính quyền nào cho Thành phố Thủ Đức?

Quốc Anh

(Dân trí) - TPHCM vẫn tổ chức mô hình HĐND và UBND ở Thành phố Thủ Đức, tuy nhiên không tổ chức HĐND cấp quận, phường để thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Ngày 19/9, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dẫn đầu làm việc với UBND TPHCM về hai đề án: không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021 (bao gồm sắp xếp 3 quận thành Thành phố Thủ Đức). 

TPHCM: Mô hình chính quyền nào cho Thành phố Thủ Đức? - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng hiện đã có nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố (ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM)

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được TPHCM ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện.

Đề án thứ nhất, trước đây, giai đoạn 2009-2016, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. 

Từ kết quả của quá trình thực hiện thí điểm, có thể sơ bộ đúc kết ra một vấn đề, đó là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường.

TPHCM: Mô hình chính quyền nào cho Thành phố Thủ Đức? - 2

TP Thủ Đức tương lai sẽ có 8 trung tâm là nguồn lực sức mạnh, trong đó nổi bật là Khu Công nghệ cao (quận 9), Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và Khu công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TPHCM

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng. 

Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường tại TPHCM.

Ở đề án thứ hai, TPHCM thành lập đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Dự kiến, sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, khi gộp nguyên trạng 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức thì diện tích (hơn 211km2), dân số (hơn 1 triệu) đều vượt chuẩn quy định và cơ sở hạ tầng cũng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại 1.

Nếu TP Thủ Đức được thành lập thì TPHCM còn 16 quận (với 249 phường sau sắp xếp giảm 10 phường). TPHCM sẽ thành lập các tổ chức Đảng, HĐND, UBND, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội ở đơn vị hành chính mới theo quy định hiện hành. Thực hiện chính sách giải quyết dôi dư theo các quy định về chính sách tinh giản biên chế. 

Đồng thời, TPHCM kiến nghị từ 1/7/2021 thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường.

"Nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính Nhà nước làm việc chế độ thủ trưởng. Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là quyết định tuyển dụng công chức từ cấp quận trở lên", ông Nhân nói.

TPHCM: Mô hình chính quyền nào cho Thành phố Thủ Đức? - 3

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đặt vấn đề: có nên tổ chức một cấp chính quyền ở Thành phố Thủ Đức hay là cũng đưa vào để không tổ chức HĐND quận, phường (ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, đề án khi thành lập Thành phố Thủ Đức vẫn coi đây là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND. 

Quận 2, 9 và Thủ Đức về bản chất là đơn vị hành chính cấp huyện. Bây giờ khi thành lập thành phố Thủ Đức thì cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Có điều là quy mô và mức độ đô thị hóa cao hơn quận và thị xã.

Thứ trưởng cho rằng cần cho ý kiến đối với TP Thủ Đức vì đề án vẫn coi đây là cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND.

Tuy nhiên, quay lại đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì quận hay thành phố trực thuộc TPHCM, bản chất cũng chỉ là một đơn vị hành chính cấp huyện. Cấp là như nhau chỉ khác nhau về tích tụ hoặc mức độ đô thị hoá cao hơn nhiều.

Do đó, thứ trưởng Bộ Nội vụ đặt vấn đề: "Có nên tổ chức một cấp chính quyền ở đó hay là cũng đưa vào để không tổ chức HĐND quận, phường trong đề án này. Vấn đề này cần nghiên cứu, thảo luận làm sao để khi đưa vào thực hiện đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau".

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đặt vấn đề về bổ nhiệm cán bộ khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Như quy định hiện nay, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường do HĐND cùng cấp bầu ra. 

Bây giờ nếu bỏ, không tổ chức HĐND cấp quận, phường nữa thì Chủ tịch UBND TP sẽ bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận; tương tự Chủ tịch TP bổ nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường hoặc phân cấp cho Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. Điều này khác với Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật cán bộ, công chức.

TPHCM: Mô hình chính quyền nào cho Thành phố Thủ Đức? - 4

Cầu Sài Gòn nối trung tâm TPHCM với cửa ngõ Đông Bắc TP - nơi có TP Thủ Đức tương lai (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tiếp đến, hiện nay công chức ở phường có cơ chế quản lý riêng. Khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường mà UBND quận, UBND phường là các cơ quan hành chính thuộc UBND TPHCM. Vậy công chức làm việc trong 2 cơ quan này phải đảm bảo nằm trong một khối thống nhất của UBND TP. 

Thứ trưởng ủng hộ quan điểm một khối thống nhất, đảm bảo cơ chế thống nhất, tiến tới sửa đổi luật đảm bảo chế độ công vụ thống nhất, quản lý cán bộ thống nhất, cải cách mạnh mẽ xây dựng chế độ công vụ, công chức.

Sau phần thảo luận, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các cấp chính quyền, cơ quan hành chính, làm cơ sở tạo điều kiện cho TP phát triển mọi mặt. Quá trình triển khai không xáo trộn nhiều, không ảnh hưởng đến bộ máy hành chính.

Theo ông Tuấn, tuần tới sẽ họp hội đồng thẩm định để ký trình Chính phủ xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Dòng sự kiện: Thành phố Thủ Đức