TPHCM:
Thủ tướng chấp thuận cho TP Thủ Đức lập Phòng Khoa học - Công nghệ
(Dân trí) - Thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM) là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất cả nước có Phòng Khoa học - Công nghệ.
Theo thông báo phát đi từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ và TPHCM về thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ thuộc UBND TP Thủ Đức.
Với sự chấp thuận của Thủ tướng, TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất trên cả nước có Phòng Khoa học - Công nghệ. Điều này nhằm phù hợp với vị trí, vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và quy mô của TP Thủ Đức.
UBND TP Thủ Đức có các phòng, ban chuyên môn gồm: Văn phòng UBND TP, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính - Kế hoạch, Văn hóa - Thông tin, Quản lý đô thị, Kinh tế - Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra, Tư pháp.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 3 người.
Cơ cấu tổ chức, số lượng Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quyền lập cơ quan chuyên môn của UBND TP Thủ Đức thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Về lâu dài, căn cứ đặc điểm, quy mô, vị trí của TP Thủ Đức, UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện để thành phố phát triển thuận lợi, đúng pháp luật.
TP Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111 của Quốc hội ngày 31/12/2020, trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức). Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Thành phố Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường.
Dự kiến, TP Thủ Đức có thể đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố và góp 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ ba sau TPHCM và Hà Nội.
Tại buổi công bố thành lập TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch theo hướng phát huy vai trò các cực tăng trưởng của TP Thủ Đức. Đồng thời, tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức và nâng cao đời sống người dân.
Đó là trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - khu đô thị tương lai.