1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM mất gì sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm?

Q.Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, đô thị đã nhiều lần sử dụng từ "thất bại" để nói về vụ việc bỏ cọc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm - TP Thủ Đức vừa diễn ra.

Sáng 23/2, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội nghị bàn tròn "Bài học rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế".

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, đô thị đã nhiều lần sử dụng từ "thất bại" để nói về vụ việc bỏ cọc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm vừa diễn ra.

Nhiều chuyên gia lên tiếng, những thiệt hại của TPHCM sau việc bỏ cọc không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính mà còn là những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, thất bại của cuộc đấu giá không chỉ có phần lỗi của các đơn vị đưa ra bước giá "trên trời", mà cuộc đấu giá có thể đã "sai từ gốc".

TPHCM mất gì sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm? - 1

Vị trí của 4 lô đất vừa được đem ra đấu giá tại Thủ Thiêm (Ảnh: Hải Long).

Không có cơ sở nói doanh nghiệp sai

Dưới góc quan sát của mình, TS. Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam - cho rằng, trong vụ đấu giá vừa qua, các bên chưa có cơ sở để nói tập đoàn Tân Hoàng Minh sai. Các tình huống suy diễn bên lề xoay quanh vụ bỏ cọc đều chưa có bằng chứng. Đây là bài học lớn để TPHCM cần cảnh giác, giảm bớt sơ hở trong các luật và tránh tác động xấu trong vấn đề đấu giá sau này.

Các chuyên gia cũng nhận định, thông qua những vụ việc chưa thể lường trước tình huống, xã hội sẽ phát triển hơn nhờ rút kinh nghiệm, không để nhà đầu tư đẩy cơ quan quản lý vào tình huống khó xử.

Do đó, các nhà làm luật cần nhanh chóng kiện toàn, hoàn thiện hành lang pháp lý. Vụ việc bỏ cọc các lô đất tại Thủ Thiêm chỉ rõ lĩnh vực bất động sản Việt Nam hiện tại rất có vấn đề.

TPHCM mất gì sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm? - 2

Các chuyên gia cho ý kiến về vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm tại hội nghị ngày 23/2 (Ảnh: N.H.).

Nói về khía cạnh tiêu cực của cuộc đấu giá, TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nhìn nhận, TPHCM không thất bại về mặt tài chính trước mắt, bởi các lô đất bị bỏ cọc vẫn còn, địa phương còn được nhận tiền cọc đã đóng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản, giá đất đã bị xáo trộn trong thời gian qua.

"Sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, toàn thị trường gần như "đứng im" vì người bán, người mua đều sợ lỗ", ông Nguyễn Hữu Nguyên nêu thực trạng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đưa ra quan điểm, vấn đề của cuộc đấu giá xuất phát từ điểm "gốc", tức là cách vận dụng pháp luật trong cuộc đấu giá. Cụ thể, ông Châu cho rằng, thành phố có thể áp dụng các hình thức đấu giá khác để phù hợp hơn trong vụ việc lần này, thay vì áp dụng đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá theo điều 41, Luật Đấu giá tài sản.  

"Khi lên Đà Lạt hay về miền Tây, người dân đều nói đất ở đây rẻ lắm, vì 1.000 m2 đất ở đó không bằng 1 m2 đất ở Thủ Thiêm. Theo tôi, tác hại của vụ bỏ cọc đối với nền kinh tế không nhỏ, thành phố mất đi nguồn thu lớn khi một lô đất trị giá 24.500 tỷ đồng, một lô là 5.000 tỷ đồng đều bị nhà đầu tư rút lui", ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Cần sự thay đổi lớn nếu đấu giá lại

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, trong lần đấu giá lại các lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm, thành phố cần nghiên cứu tổ chức thực hiện theo điều 42 hoặc điều 43 của Luật Đấu giá tài sản, tức là "đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá" hoặc " đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp". Địa phương cũng cần xem xét, thẩm định các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia đấu giá để chọn lọc danh sách sơ bộ có tiềm năng.

Tại hội nghị bàn tròn, hầu hết các góp ý của chuyên gia đều cho rằng, thành phố cần thẩm định năng lực đơn vị, người tham gia đấu giá, tăng chế tài xử phạt nếu bỏ cọc. Mặt khác, địa phương này cần cân nhắc kỹ mức giá khởi điểm đưa ra, điều này quyết định lớn đối với sự thành công của cuộc đấu giá.

TPHCM mất gì sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm? - 3

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM tại hội nghị (Ảnh: N.H.).

Chuyên gia Nguyễn Thế Phượng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam - phân tích, hiện tại 2 nhà đầu tư trúng đấu giá tại Thủ Thiêm đã bỏ cọc, 2 đơn vị còn lại chưa nộp đủ tiền khi đã hết hạn. Điều này cho thấy vấn đề về năng lực tài chính của cả 4 nhà đầu tư.

"Chúng ta cần nhận thức, việc quan trọng đầu tiên là năng lực tài chính của bên tham gia đấu giá cần được xác định. Tiếp theo, chế tài xử lý đối với người bỏ cọc cần được nghiên cứu lại", ông Nguyễn Thế Phượng nêu quan điểm.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM - bày tỏ sự đồng tình về việc đánh giá năng lực người đấu giá và kiểm soát chặt chẽ hồ sơ. Vị chuyên gia này đề xuất thêm, để hạn chế bỏ cọc, số tiền đặt cọc cần nâng lên ít nhất bằng 20-30% tổng giá trị trúng giá.