1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Công ty nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc đất vàng, đầu cơ vùng ven ồ ạt "xả" hàng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Sau Tân Hoàng Minh, công ty của nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm; sau Tết, nhà đầu cơ vùng ven ồ ạt "xả" đất... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Sau Tân Hoàng Minh, công ty của nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm

Ngày 8/2 vừa qua, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, xác nhận với Dân trí việc Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh gửi công văn xin không triển khai dự án trên lô đất 3-9 thuộc Khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM).

Công ty Bình Minh là đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-9 hơn 5.000 m2 trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021. Trải qua 140 lượt trả giá, công ty Bình Minh giành quyền mua lô đất 3-9 với mức giá 5.026 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân hơn 1 tỷ đồng/m2 đất.

Đến hôm nay, Bình Minh cùng hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất là Công ty Cổ phần Dream Republic mua lô đất 3-5 diện tích diện tích 6.446 m2 với giá 3.820 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.568 m2 với giá 4.000 tỷ đồng vẫn chưa nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá được công nhận trúng đấu giá trong phiên ngày 10/12/2021 theo quy định.

Công ty nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc đất vàng, đầu cơ vùng ven ồ ạt xả hàng - 1

Trải qua 140 lượt trả giá, công ty Bình Minh giành quyền mua lô đất 3-9 với mức giá 5.026 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân hơn 1 tỷ đồng/m2 đất (Ảnh: Hữu Khoa)

Đấu giá cao, bỏ cọc: Kiến nghị xử nghiêm trường hợp vi phạm, trục lợi

Theo Bộ Xây dựng, với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. 

Để chấn chỉnh, tạo sự ổn định cho thị trường, Bộ Xây dựng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh;

Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản ; phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; nghiên cứu đề xuất sửa Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để bổ sung các cơ chế, chính sách thực hiện điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị các bộ ngành có liên quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Dòng tiền chảy vào bất động sản "nóng" ra sao?

Bộ Xây dựng đã có thông tin về tình hình cấp tín dụng, phát hành trái phiếu và vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản năm 2021.

Cụ thể, về cấp tín dụng bất động sản, dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 30/11/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 690.075 tỷ đồng.

Công ty nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc đất vàng, đầu cơ vùng ven ồ ạt xả hàng - 2

Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dao động trong khoảng 8%-13%/năm (Ảnh: Mạnh Quân)

Về phát hành trái phiếu, Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng.

Thông tin thêm về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài công bố, tính đến ngày 20/12/2021, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). So với năm 2020 thì dòng vốn đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm khoảng 1,6 tỷ USD.

Sau Tết, nhà đầu cơ vùng ven ồ ạt "xả" đất

Khảo sát trên thị trường hiện tại, nguồn cung đất nền ở các vùng ven trung tâm Hà Nội, các tỉnh như Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam… được rao bán qua những trang rao bán bất động sản đã dày đặc. Sản phẩm đất nền khá đa dạng từ diện tích vài chục m2 đến cả chục ha.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Thanh Tùng - một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội - cho biết, thị trường bất động sản đang dần sôi động sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Lượng sản phẩm rao bán ra thị trường sẽ nhiều hơn, nhưng chắc chắn giao dịch thành công cũng chưa cao.

Công ty nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc đất vàng, đầu cơ vùng ven ồ ạt xả hàng - 3

Ô đất anh Hưng mua để đón đầu quy hoạch nhưng đang muốn bán gấp vì chưa cân đối được tài chính (Ảnh: Hà Phong).

Lý giải về việc nhà đầu cơ "xả hàng" đầu năm, vị môi giới trên cho rằng, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều nhà đầu cơ "chốt" bán vì đã thu được mức lợi nhuận như mong muốn. Hoặc có thể do nhà đầu cơ cần phải cân đối các nguồn tài chính cho hợp lý. "Có những nhà đầu cơ nhỏ lẻ họ chỉ cần lãi vài chục triệu đồng là có thể bán ra", ông Tùng nói.

Thứ hai, nhiều nhà đầu cơ lo ngại những chính sách pháp luật mới nhằm ngăn chặn "sốt đất", đầu cơ, tăng giá đột biến của Nhà nước sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động thị trường bất động sản, đặc biệt là việc tăng giá đất đai.

Loạt giải pháp chặn đồn thổi, sốt giá, nhiễu loạn thị trường bất động sản

Trong các nhóm giải pháp nhằm chặn sốt ảo thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương lưu ý đến việc tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.

Biện pháp này nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Công ty nữ giám đốc 9X xin bỏ cọc đất vàng, đầu cơ vùng ven ồ ạt xả hàng - 4

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi (Ảnh: Hữu Khoa).

Bộ cũng lưu ý các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt là tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Quy định mới rất đáng chú ý: Phạt môi giới, siết "cò" làm nhiễu thị trường

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 16 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, trong đó, quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản.

Một trong những nội dung được quan tâm tại Nghị định đó là các quy định về vi phạm trong kinh doanh dịch vụ bất động sản được nhiều môi giới quan tâm.

Nghị định nêu rõ sẽ phạt tiền 120 - 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định...

Nghị định quy định mức phạt cao hơn 200-250 triệu đồng đối với hành vi như bất động sản được đưa lên sàn giao dịch nhưng không đủ điều kiện theo quy định; Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới...