TPHCM “hâm” lại đề án làm lệch ca, học lệch giờ để giảm kẹt xe
(Dân trí) - Việc sắp xếp lại giờ làm, giờ học để giảm bớt lưu lượng giao thông giờ cao điểm trên địa bàn thành phố đã được nghiên cứu từ năm 2001 nhưng đã 2 lần không được HĐND TPHCM thông qua. Trước tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, TPHCM một lần nữa quyết tâm theo đuổi, thực thi chính sách này.
UBND TPHCM vừa giao Viện Nghiên cứu và phát triển TP chủ trì phối hợp các sở ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiên cứu đề án bố trí, sắp xếp lệch ca, lệch giờ làm việc, giờ học để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa lưu ý có thể xem xét, đề xuất điều chỉnh lại tên đề án cho phù hợp với nội dung nghiên cứu, trình lãnh đạo TP trước ngày 30/7. Đề án cần nghiên cứu theo từng nhóm đối tượng: học sinh - sinh viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện; cán bộ - công chức; người lao động tại các khu công nghiệp...
Trong đó, đề án nghiên cứu cần phải phân tích, đánh giá kỹ, toàn diện các yếu tố tác động đến tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của TP để đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo đề án khả thi và đạt được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, sở dĩ TP chọn trước 4 nhóm đối tượng trên cho phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm là vì những nhóm này có số lượng người đông nhất, nhu cầu di chuyển lớn nhất nên dễ gây kẹt xe nhất.
Chủ trương học lệch giờ, làm lệch ca đã được TPHCM nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, thành phố đưa ra 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó giải pháp trọng tâm là bố trí lại giờ làm việc và học tập. Tuy nhiên, đề án không được HĐND TPHCM thông qua.
Sau đó, TPHCM thống nhất thí điểm bố trí lại giờ học. Cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7h sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cấp mầm non muộn hơn 30 phút. Cùng với đó, TPHCM cũng làm thí điểm điều chỉnh giờ làm đối với một số khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông người lao động. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các khu chế xuất – khu công nghiệp đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều đến kẹt xe.
Đến năm 2009, TPHCM lại bàn đến giải pháp lệch ca, lệch giờ. Thời điểm này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất áp dụng phương án này với khối hành chính sự nghiệp.
Thời gian làm việc bắt đầu từ 8h hoặc 8h30 và kết thúc vào lúc 16h30 đến 17h, thời gian nghỉ trưa từ 30 đến 60 phút. Đối với doanh nghiệp nhà nước làm việc lúc 7h và kết thúc lúc 15h30, thời gian nghỉ trưa 60 phút tính vào giờ làm việc...
Riêng bộ phận dịch vụ hành chính công như phòng công chứng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính, tùy khối lượng việc, số lượng người đến giao dịch sẽ bố trí giờ làm việc như cũ hoặc điều chỉnh lại sáng bắt đầu từ 9h. Thế nhưng một lần nữa đề xuất bị HĐND TPHCM phủ quyết. Đến nay, TPHCM tiếp tục chủ trương nghiên cứu phương án này để áp dụng trong năm 2017 để giảm ùn tắc giao thông.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa bày tỏ sự quyết tâm: “Tôi đi công tác nước ngoài thấy, người ta cho công chức khối hành chính đi làm trễ về trễ, khối nhà máy sản xuất thì đi làm sớm về sớm… Đi làm lệch nhau một tiếng và giảm được kẹt xe. Tất nhiên, khi mình triển khai thì có người nói rước con rước cái, nhưng nếu nói vấn đề đó và cứ bàn lùi thì muôn đời không làm được. Khi triển khai sẽ có va chạm, nhưng vì cái chung thì vẫn phải làm”.
Quốc Anh