1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM điểm mặt 3 “thủ phạm” sau gần 1 tháng cao điểm ô nhiễm không khí

(Dân trí) - Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, với hơn 1.000 nhà máy quy mô lớn, 10 triệu xe máy và bụi từ hoạt động xây dựng khiến thành phố đông dân nhất nước bị ô nhiễm. Trong đó, nồng độ chất gây ô nhiễm tại vòng xoay Mỹ Thủy là cao nhất.

Sau gần 1 tháng TPHCM thường xuyên xuất hiện mù từ sáng đến chiều (từ 18-25/9), gây ảnh hưởng đến giao thông và sức khỏe người dân, chiều 9/10, Sở Tài nguyên – Môi trường TP tổ chức họp báo công bố nguyên nhân. Buổi họp do ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền) chủ trì.

TPHCM điểm mặt 3 “thủ phạm” sau gần 1 tháng cao điểm ô nhiễm không khí - 1

Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyền và Môi trường TPHCM chủ trì buổi họp báo

Theo cơ quan chức năng TPHCM, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Trong đó, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm vượt quy chuẩn cho phép.

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP, tình hình ô nhiễm không khí trong khoảng thời gian xảy ra mù quang hóa: có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) trong các ngày 18/9/2019 – 20/9/2019.

Trong đó, cao nhất là ngày 20/9, với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20/9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.

Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP chỉ ra 3 nguyên nhân cụ thể gây ô nhiễm không khí gồm: hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng.

TPHCM điểm mặt 3 “thủ phạm” sau gần 1 tháng cao điểm ô nhiễm không khí - 2

Những tòa nhà cao tầng chìm trong mù

Cụ thể, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống.

Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Trừ một số nhà máy xí nghiệp nằm trong các khu công nghiệp tập trung hoặc nằm tại khu vực xa dân cư, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất tiểu – thủ công nghiệp đều nằm xen kẽ với khu vực dân cư nên khí thải từ các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến đông đảo người dân đô thị.

Các hoạt động xây dựng diễn ra khắp nơi trong thành phố và hầu như hoạt động suốt ngày đêm. Các hoạt động phá dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng, các thiết bị máy móc phục vụ hoạt động xây dựng… gây ra ô nhiễm không khí và tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân thành phố.

Ông Cao Tung Sơn khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa: hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm.

Khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa.

Quốc Anh