1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại 2​ thành phố Hà Nội và TPHCM, trong đó nhận định hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chất lặp đi, lặp lại và thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2019, vấn đề chất lượng không khí của các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức kém, ở TPHCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hoá đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng

“Đây là hiện tượng ô nhiễm không khí có tính chất lặp đi lặp lại và thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có”- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM - 1

“Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm"- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12-29/9, chất lượng không khí (AQI) liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội đo được trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/9 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9/2019, sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9. Trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9 có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

“Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM10 và PM2.5 có xu hướng giảm. Đối chiếu với kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ trong giai đoạn từ 2016 - 2018 cũng cho thấy xu hướng tương ứng đối với nồng độ PM2.5. So sánh nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm”- báo cáo cho hay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

“Theo nhận định sơ bộ, nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt, vào thời điểm sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí”- Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải.

Ngoài ra, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày từ 21-30/9, toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này. 

Tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng nhận định, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào khoảng 6 – 7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22/9.

Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở này và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM cũng ghi nhận, từ ngày 1-23/9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. 

“TPHCM nồng độ bụi PM2.5 có gia tăng, tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi”- báo cáo nhận định.

So sánh với một số thành phố trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước Châu Á trong giai đoạn 2016 -2018) cho thấy thành phố Hà Nội năm 2016-2017 đứng thứ 10/15 thành phố, ở mức độ ít ô nhiễm (số 1 là mức ô nhiễm cao nhất), năm 2018, đứng ở vị trí 11/15; TPHCM cả 3 năm từ 2016 -2018 được xếp 15/15, tức là chất lượng không khí tốt nhất trong số 15 thành phố mà Mỹ đặt thiết bị quan trắc.

Thế Kha