1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ô nhiễm không khí gia tăng, TPHCM quyết kiểm soát khí thải xe 2 bánh

(Dân trí) - Khí thải từ hoạt động giao thông là một trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TPHCM thời gian qua. TPHCM có hơn 7 triệu xe mô tô, gắn máy (chưa kể xe từ tỉnh thành khác vào thành phố) nên việc kiểm soát được khí thải góp phần đáng kể giúp giảm ô nhiễm không khí cho thành phố đông dân nhất nước.

Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết đang nghiên cứu, đề xuất UBND TP xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy nhằm từng bước tiến tới quản lý, giảm thiểu ô nhiễm do khí thải phương tiện cơ giới gây ra.

Ô nhiễm không khí gia tăng, TPHCM quyết kiểm soát khí thải xe 2 bánh - 1

TPHCM lên kế hoạch kiểm soát khí thải xe gắn máy, mô tô

Mới đây, Sở GTVT TP đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở GTVT TP đề nghị hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy tại một số điểm như đại lý phục vụ bảo dưỡng trong nội thành và ngoại thành.

Theo đó, thống nhất nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức thực hiện trước khi đề xuất những giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này.

Trong giai đoạn từ 18-25/9, TPHCM xảy ra hiện tượng mù quang hóa gây ảnh hưởng sức khỏe người dân đô thị, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động giao thông. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do ô nhiễm không khí.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP chỉ ra 3 nguyên nhân khiến bầu không khí của thành phố đông dân nhất nước bị ô nhiễm, đó là từ hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng.

Trên địa bàn thành phố có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố.

Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Ô nhiễm không khí gia tăng, TPHCM quyết kiểm soát khí thải xe 2 bánh - 2

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân đô thị

Theo cơ quan chức năng TPHCM, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Trong đó, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm vượt quy chuẩn cho phép.

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP, tình hình ô nhiễm không khí có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) trong các ngày 18/9/2019 – 20/9/2019.

Trong đó, cao nhất là ngày 20/9, với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20/9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.

Quốc Anh