TPHCM đầu tư thêm 8.000 tỷ đồng để giảm ngập
(Dân trí) - Trong năm 2019, TPHCM dự kiến đầu tư 218 dự án giảm ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Cùng với đó, mục tiêu lớn của thành phố trong năm nay là hoàn thành dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ngập nước năm 2019, TPHCM sẽ đầu tư 218 dự án với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, 77 dự án chuyển tiếp (gần 5.000 tỷ đồng), khởi công 47 dự án (gần 2.000 tỷ đồng) và chuẩn bị đầu tư 94 dự án (819 tỷ đồng).
TPHCM sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân.
Theo đó, thành phố tập trung hoàn thành hai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Thành phố phấn đấu hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (trị giá gần 10.000 tỷ đồng) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.
Thành phố cũng đẩy nhanh các thủ tục để thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú), đường Bàu Cát, Trương Công Định (quận Tân Bình), đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).
UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát quỹ đất phục vụ các công trình công cộng để nghiên cứu, đề xuất thực hiện đầu tư các hồ điều tiết ngầm, đặc biệt là những khu vực có khả năng ngập nặng. Các địa phương hoàn thành công việc này, báo cáo thành phố trong quý 2/2019.
Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước. Trong năm 2019, các quận, huyện phải xử lý dứt điểm hơn 200 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, hầm ga, tuyến cống, kênh, rạch…
Theo UBND TP, chi phí thực hiện các dự án được cân đối từ vốn ngân sách, theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu cơ chế chính sách để đẩy mạnh mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ưu tiên các dự án đa mục tiêu.
Liên quan đến công tác giảm ngập, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP về kế hoạch sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, với kinh phí 473 tỷ đồng.
Toàn tuyến dài 3,2km sẽ được cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình khác dọc tuyến. Công trình được thi công trong khoảng 14 tháng (dự kiến từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2020).
Điều đáng nói là Sở GTVT đề xuất và được chấp thuận phương án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh dù Trung tâm chống ngập TP đã ký hợp đồng chính thức thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho tuyến đường này từ giữa tháng 4/2018. Hợp đồng thuê dịch vụ bơm kéo dài 7 năm.
Câu hỏi được đặt ra là nếu TPHCM chi hàng trăm tỷ đồng triển khai sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì hợp đồng thuê dịch vụ bơm chống ngập cho con đường này được giải quyết như thế nào? Hay TP lãng phí tiền tỷ để thuê máy bơm để đó "chơi" trong 7 năm?
Lâm Oanh – Quốc Anh