TPHCM đang sử dụng "liều thuốc" đầu tư công ra sao?
(Dân trí) - Đầu tư công là công cụ tạo hiệu quả cấp số nhân cho nền kinh tế TPHCM. Nhưng đến hết quý I/2023, TPHCM mới giải ngân được 2% tổng vốn, giải ngân đầu tư công cũng là vấn đề của TPHCM thời gian qua.
Đầu tư công là một trong những động lực chính giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế TPHCM. Những tác động trực tiếp của thúc đẩy giải ngân đầu tư công là giúp các địa phương hình thành, cải thiện hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư, tạo việc làm và tăng phúc lợi xã hội.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của TPHCM diễn ra cách đây ít ngày, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, giải ngân đầu tư công có thể tạo hiệu quả cấp số nhân cho nền kinh tế thành phố. Ông cũng đặt câu hỏi về việc TPHCM có bỏ hoàn toàn công cụ này khi chỉ giải ngân được 2% tổng vốn trong quý đầu tiên của năm.
Những lo lắng của vị chuyên gia này là có cơ sở khi tính đến cuối tháng 3, TPHCM đã giải ngân được hơn 950 tỷ đồng, đạt hơn 2% so với tổng số vốn được giao (hơn 43.000 tỷ đồng). Trong niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022, địa phương này dù có nhiều nỗ lực nhưng chỉ hoàn thành hơn 71% tổng vốn được giao.
Lý giải con số 2%
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, đến nay, thành phố mới hoàn thành giải ngân khoảng 2% trong tổng số vốn được giao. Theo số liệu và tình hình thực tế các năm, quý I thường có khối lượng giải ngân đầu tư công thấp, tốc độ giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, năm 2023, TPHCM có một số dự án có tổng vốn lớn. Dự án tuyến đường vành đai 3 TPHCM là một ví dụ.
"Dự án vành đai 3 TPHCM có tổng vốn trên 20.000 tỷ đồng, trong đó công tác giải phóng mặt bằng là hơn 18.000 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến, tới tháng 6, công tác giải ngân của dự án này sẽ hoàn thành 80%", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, công tác giải ngân đầu tư công của địa phương vẫn đi đúng tiến độ. Các dự án đầu tư công trên địa bàn phải "đến ngày, đến tháng" thì công việc mới hoàn thành, mới tính được khối lượng giải ngân.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng khẳng định, rút kinh nghiệm kết quả giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng của năm 2022, và dựa trên những giải pháp đã mang lại hiệu quả, ngay từ đầu năm, địa phương đã tập trung rà soát việc phân bổ vốn, thủ tục pháp lý của từng dự án. Đến nay, công việc này cơ bản đã hoàn thành.
"Chúng tôi cũng nhóm lại các nhà đầu tư quản lý nhiều vốn, các dự án lớn, công trình trọng điểm trên địa bàn. Nhóm này đang chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư công của năm. Thành phố đã làm việc với các chủ đầu tư, xây dựng lộ trình cho từng dự án và đảm bảo giải ngân được 95% tổng vốn nhóm công trình, dự án trọng điểm vào cuối năm nay", Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.
Không bỏ qua công cụ đầu tư công
Với góc độ quản lý địa phương, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nêu quản điểm, kết quả giải ngân đầu tư công không thể chia đều cho 12 tháng trong năm. Các hoạt động được phân bổ theo thời điểm, tùy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công.
"Vấn đề không phải tháng 2, tháng 3 giải ngân được bao nhiêu vốn mà phải bám sát kế hoạch. Theo kế hoạch được TP Thủ Đức xây dựng, vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tập trung ở tháng 9, tháng 10. Kế hoạch này được nghiên cứu dựa trên thực tiễn và chi tiết của từng dự án", lãnh đạo TP Thủ Đức nhấn mạnh.
Chủ tịch của TP Thủ Đức góp ý, TPHCM cần có bảng giải ngân tổng, bám sát theo kế hoạch từng tháng của các dự án đầu tư công sẽ thuận lợi hơn cho công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ. Phần việc này cần gắn liền với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho rằng, nhận định TPHCM bỏ qua công cụ đầu tư công là không chính xác. Hiện tại, các tổ công tác của thành phố và ban quản lý các dự án đã báo cáo tiến độ chi tiết và thường xuyên họp bàn gỡ vướng.
Vị này phân tích thêm, trong 31.000 tỷ đồng của các dự án hạ tầng năm nay, tuyến vành đai 3 TPHCM đã chiếm khoảng 80%. Việc giải ngân cho tuyến vành đai 3 sẽ bắt đầu ở quý II, và được tập trung ở quý III, quý IV năm nay.
Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm của TPHCM:
Dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước Thành phố:
UBND TPHCM đã giao kế hoạch đợt 1 là 926,1 tỷ đồng. Đến hết quý I/2023, dự án ước thực hiện được 335,8 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch.
Dự án vệ sinh môi trường Thành phố - giai đoạn 2:
UBND TPHCM đã giao kế hoạch đợt 1 là 350 tỷ đồng. Đến hết quý I/2023, dự án ước thực hiện được 45 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên):
Dự án đang hoàn thiện kiến trúc, lắp đặt thiết bị giám sát, vận hành hiện đại. Tiến độ thi công toàn dự án đạt gần 94%, trong đó nhiều hạng mục đã hoàn thành từ 98% đến 100% khối lượng thi công.
Đoạn từ ga Bình Thái - Bến Thành dự kiến hoàn thành thử nghiệm trong quý II/2023 để tiến tới hoàn thành thử nghiệm toàn tuyến, khai thác thử trong quý III/2023.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương:
Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện. Phần việc này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM:
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TPHCM đã yêu cầu Sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương, tập trung trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách.
Thành phố chuẩn bị thành lập tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng để rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng cùng phương án khai thác mỏ đảm bảo nguồn cung vật liệu để khởi công dự án đường vành đai 3 vào tháng 6 năm 2023.