1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM chủ trương “không cho tiền người xin ăn”

(Dân trí) - Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể gọi vào các số đường dây nóng để cơ quan chức năng kịp thời xử lý, đưa vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Ngoài ra, người dân còn nhận được chế độ hỗ trợ báo tin.

Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ). 

Khi phát hiện người xin ăn, người dân kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng theo các số điện thoại trên và được nhận chế độ hỗ trợ báo tin.

TPHCM chủ trương “không cho tiền người xin ăn”
Người phụ nữ ẵm theo con nhỏ đi xin ăn tại khu vực đường Trần Hưng Đạo -  Nguyễn Văn Cừ (quận 5)

Lãnh đạo TP yêu cầu Trung tâm Hỗ trợ xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường công tác khảo sát trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực thường có nạn xin ăn trên địa bàn thành phố để phối hợp địa phương tập trung đối tượng; trực đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức phối hợp xử lý đảm bảo kịp thời đưa người xin ăn, lang thang về các Trung tâm xã hội.

Người xin ăn, không có nơi ở ổn định khi vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội được nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, tạo điều kiện tham gia lao động sản xuất phù hợp. Người nước ngoài lang thang, xin ăn sẽ được đưa về nước theo quy định.

Yêu cầu Công an TP điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để và nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn.

UBND 24 quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc còn người lang thang, xin ăn sinh sống nơi công cộng trên địa bàn.

UBND TP cũng đề nghị Thành hội Phật giáo, Tòa Tổng giám mục thành phố,… phối hợp thực hiện chủ trương của TP về giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo đồng thuận với chủ trương của TP: “Không cho tiền người xin ăn”.

Đồng thời, đề nghị Thành hội phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn thành phố, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền.

Theo UBND TP, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố phải mang tính căn bản, thiết thực, bền vững.

Để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa, TP tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và huy động đóng góp của xã hội. Người dân có lòng hảo tâm có thể đóng góp hỗ trợ thông qua các tổ chức Đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội của thành phố.

Quốc Anh