TPHCM bổ sung quy hoạch 2 tuyến metro mới
(Dân trí) - Hệ thống đường sắt đô thị TPHCM sẽ có 12 tuyến, sau khi bổ sung 2 tuyến mới kết nối quận Bình Tân với Củ Chi và quận 7 với Cần Giờ.
Theo phụ lục danh mục hệ thống đô thị TPHCM vừa được Thủ tướng thông qua, TPHCM bổ sung 2 tuyến đường sắt, thay vì 10 tuyến như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, tuyến đường sắt số 11 (tuyến ven sông) sẽ được thực hiện bằng loại hình LRT (đường sắt nhẹ) đi từ điểm đầu quận Bình Tân và kết thúc tại huyện Củ Chi với quy mô 48,7km.
Tuyến số 12 được Thủ tướng đánh giá có tiềm năng kết nối huyện Cần Giờ, lộ trình dự kiến đi từ quận 7 đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, quy mô 48,7km. Loại hình dự kiến là LRT hoặc MRT (đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm).
Trước đó, vào tháng 7/2024, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm TPHCM đi Cần Giờ vào hợp phần giao thông trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023 (ngày 18/7/2023), sau đó Thành ủy, UBND TPHCM cũng có chủ trương và chỉ đạo.
Về hướng tuyến, hai sở thống nhất cần quy hoạch định hướng một số vị trí khống chế, để có thể nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trong các bước tiếp theo. Tương tự, việc đi trên cao hoặc đi ngầm cũng cần bổ sung nguyên tắc để có thể xem xét điều chỉnh ở các bước triển khai tiếp theo.
Tại hội nghị công bố quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 4/1, Thủ tướng cũng nhắc lại.
"Vừa qua, chúng ta đã hình thành tuyến đường sắt đô thị cả đi ngầm và trên cao, người dân rất đón nhận. Chúng ta cần tiếp tục khai thác không gian ngầm này. Tôi đã trao đổi với anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng - PV) về việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm đến Cần Giờ. Anh ấy đồng tình và rất say sưa. Thành phố cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhận định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Từ việc này, Thủ tướng gợi ý TPHCM cần giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn hơn.
Theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM xác định mục tiêu hoàn thành 355km metro vào năm 2035, thay vì kế hoạch trước đó là 183km vào năm 2035. Đồng thời, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 510km hệ thống metro vào năm 2045, thay vì vào năm 2060.