TP Thủ Đức có quy hoạch phân khu mới, đặt nền tảng cho chính quyền 2 cấp
(Dân trí) - Các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của TP Thủ Đức gồm 11 trọng điểm phát triển, đặt nền tảng cho chính quyền 12 phường mới thành lập theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngày 23/6, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội nghị công bố 9 quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, khu vực TP Thủ Đức đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá mạnh mẽ, bền vững thời gian tới. Các đồ án quy hoạch phân khu được công bố không chỉ là nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mà còn là kim chỉ nam cho các lĩnh vực mũi nhọn, gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng công bố 9 quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (Ảnh: Q.Huy).
"Việc công bố 9 quy hoạch phân khu có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình phát triển đô thị của TP Thủ Đức. Quy hoạch xác định rõ 9 phân khu chức năng gắn với 11 trọng điểm phát triển, là cơ sở pháp lý thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân", ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của TP Thủ Đức gồm 11 trọng điểm phát triển, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TP Thủ Đức. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thực hiện các dự án đầu tư công, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giúp mở thêm không gian để phát triển.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được tham dự hội nghị tại TP Thủ Đức (Ảnh: Q.Huy).
Các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được duyệt của TP Thủ Đức sẽ khớp nối và thay thế các đồ án quy hoạch phân khu đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng đến nay đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển. Quy hoạch mới sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý đất đai, đặt nền tảng cho chính quyền 12 phường mới thành lập theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thuận lợi trong quản lý, điều hành địa phương.
Vào tháng 1, Thủ tướng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức. Dựa trên quy hoạch chung được phê duyệt, TP Thủ Đức đã hoàn thiện đồ án quy hoạch 9 phân khu tỷ lệ 1/2.000 và lấy ý kiến nhân dân.
Trong đó, phân khu 1 của TP Thủ Đức có diện tích khoảng 1.807ha, dân số 332.500 người, thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú hiện tại. Khu vực được gắn với khu trọng điểm số 1 là Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.

Các đại biểu, khách mời nghiên cứu các quy hoạch phân khu TP Thủ Đức được công bố (Ảnh: Q.Huy).
Phân khu 2 có diện tích khoảng 2.042ha, dân số 270.000 người, thuộc phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình hiện tại. Nơi đây được xác định là khu trung tâm mới của thành phố, là trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại, gắn với trọng điểm số 4 (khu đô thị thương mại, văn hóa, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ) và trọng điểm số 5 (khu đô thị công viên Tam Phú).
Phân khu 3 có diện tích khoảng 2.468ha, dân số 440.000 người, thuộc các phường Linh Tây, Linh Chiểu, Bình Thọ, Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước hiện tại. Đây là khu đô thị hiện hữu gắn với đào tạo và trung tâm sản xuất, dịch vụ trung chuyển, gắn với trọng điểm số 6 (Khu Linh Trung) và trọng điểm số 11 (Đại học Quốc gia TPHCM).

Bản đồ tổng mặt bằng sử dụng đất 9 phân khu tại TP Thủ Đức (Ảnh: TP Thủ Đức).
Phân khu 4 có diện tích khoảng 2.945ha, dân số 280.442 người, thuộc phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ hiện tại. Phân khu là trung tâm văn hóa vui chơi giải trí của TPHCM, trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần cảng, gắn với trọng điểm số 8 (Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc).
Phân khu 5 có diện tích khoảng 3.425ha, dân số 210.000 người, thuộc phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường hiện tại. Nơi đây là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu, đào tạo, gắn với trọng điểm số 9 (khu Công viên Khoa học và Công nghệ TPHCM) và trọng điểm số 10 (khu đô thị tri thức và công nghệ cao, công nghệ tiên tiến khu vực Long Phước - Tam Đa).
Phân khu 6 có diện tích khoảng 1.724ha, thuộc một phần các phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Bình Trưng Đông, Phú Hữu hiện tại. Đây là trung tâm dịch vụ cảng, công nghiệp và logistics của TPHCM và vùng lân cận gắn với trọng điểm số 2 (khu công nghiệp, logistics, đô thị Cát Lái - Trương Văn Bang).
Phân khu 7 có diện tích khoảng 1.589ha, dân số 300.000 người, thuộc phường Bình Trưng Tây và một phần các phường An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Phước Long B, Thạnh Mỹ Lợi hiện tại. Phân khu là trung tâm TP Thủ Đức hiện hữu.
Phân khu 8 có diện tích khoảng 1.199ha, dân số 248.000 người, thuộc các phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và một phần các phường An Phú, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu hiện tại. Đây là trung tâm thể dục thể thao của TPHCM gắn với trọng điểm số 3 (khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc).
Phân khu 9 có diện tích khoảng 2.223ha, dân số 345.000 người, thuộc các phường Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B và một phần các phường Phước Long B, Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Trường, Phú Hữu hiện tại. Đây là trung tâm sản xuất công nghệ cao và các khu đô thị phụ cận, gắn với trọng điểm số 7 (Khu Công nghệ cao TPHCM).