DNews

Câu hỏi được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra khi nói về TPHCM mới

Q.Huy

(Dân trí) - Bên cạnh lợi thế, ưu điểm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ những nút thắt của TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước ngày hợp nhất. Ông cũng đặt câu hỏi về việc giải quyết vấn đề người dân bức xúc.

Câu hỏi được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra khi nói về TPHCM mới

Sáng 18/6, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong một buổi sáng, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cùng lãnh đạo 3 tỉnh, thành đã làm rõ, phân tích các kết quả đạt được của từng địa phương, cùng những vấn đề cần tiếp tục thực hiện thời gian tới để thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư biểu dương và đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua. Người đứng đầu Đảng cũng nêu rõ quan điểm, mỗi địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập để khắc phục.

"Những cái được rất lớn, nhưng những bất cập cũng phải mạnh dạn nhìn nhận. Khi chúng ta hợp nhất, thành lập TPHCM mới cần phát huy lợi thế, ưu điểm, đồng thời phải nhìn ra được những tồn tại, bức xúc để khắc phục", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Câu hỏi được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra khi nói về TPHCM mới - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác của Trung ương làm việc với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 18/6 (Ảnh: Q.Huy).

Hội tụ thế mạnh của 3 tỉnh, thành

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, việc thành lập TPHCM mới với 3 địa phương phát triển năng động hàng đầu là TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa lớn nhất của cả nước, TPHCM mới cần trở thành một trong những vùng đô thị tài chính, công nghiệp, cảng biển có mật độ phát triển cao bậc nhất của Đông Nam Á.

Trong số 3 địa phương, tỉnh Bình Dương là khu vực được Tổng Bí thư đề cập tới đầu tiên. Cụ thể, Bình Dương là địa phương tiêu biểu cho hành trình 40 năm đổi mới, từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống vươn lên thành tỉnh công nghiệp và đô thị hàng đầu cả nước, thu nhập bình quân đầu người chạm ngưỡng 200 triệu đồng, cao hơn cả TPHCM và Hà Nội.

Cả 3 địa phương đều hội tụ những nền tảng thể chế, quản trị số hàng đầu cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Tỉnh Bình Dương có tỷ lệ đô thị hóa 87%, tương đương các nước phát triển, thu hút 4.500 dự án FDI (dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Tỉnh cũng tạo ra những mô hình phát triển hiện đại như khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tích hợp, chuỗi kết nối vùng nhiều nhất cả nước. Bình Dương cũng được vinh danh trong nhóm 21 cộng đồng thông minh toàn cầu, nhiều năm liền là tiêu biểu của khu thương mại tự do, khu công nghiệp khoa học công nghệ sáng tạo.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang vươn mình thành trung tâm kinh tế biển với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, là một trong 21 cảng nước sâu hàng đầu thế giới, đang được đầu tư mở rộng, hiện đại hóa thành trung tâm trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có năng lực cạnh tranh Châu Á và toàn cầu. Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ quy mô 3.750ha đang được xúc tiến xây dựng các tổ hợp lớn về công nghiệp, dịch vụ, đô thị hiện đại.

Chuỗi dự án du lịch cao cấp Hồ Tràm, Long Hải, Vũng Tàu đã tạo cấu trúc kinh tế cân bằng giữa công nghiệp logistics và dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra, đặc khu Côn Đảo đang được nghiên cứu thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để trở thành trung tâm du lịch, sinh thái tầm vóc quốc tế trên cơ sở giữ gìn các bản sắc, giá trị linh thiêng.

Câu hỏi được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra khi nói về TPHCM mới - 2

Khu vực dự kiến đặt Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Tổng Bí thư nhận định, TPHCM đang bước vào giai đoạn chuyển mình chiến lược để giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, vươn tầm khu vực. Điểm nhấn thể chế nổi bật của thành phố là đề án Trung tâm tài chính quốc tế, với kỳ vọng là nơi thử nghiệm thể chế mới, công nghệ tài chính tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại.

Thời gian qua, TPHCM đã đạt nhiều thành tựu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

"Cả 3 địa phương đều hội tụ những nền tảng thể chế, quản trị số hàng đầu cả nước. Những nền tảng này đang tạo nên vùng đô thị tiên phong, không chỉ dẫn dắt bằng tốc độ tăng trưởng mà còn bằng chất lượng quản trị, sự đổi mới thể chế, mô hình phát triển bền vững", Tổng Bí thư đánh giá.

Bên cạnh đó, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều chú trọng phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng sống người dân, xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, phát triển bền vững. Các địa phương cũng quan tâm đến phát triển giáo dục, đào tạo, thể thao, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân.

Vẫn còn những nút thắt

"Xét trên bình diện tổng thể và dài hạn, quá trình phát triển từng địa phương còn tồn tại những nút thắt mang tính cấu trúc, khiến tăng trưởng chưa bền vững, hiệu quả đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Trong đó, TPHCM trước thềm sáp nhập là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước nhưng không gian phát triển bị bó hẹp, quá tải hạ tầng, áp lực dân số lớn, ô nhiễm môi trường, ngập úng ngày càng nghiêm trọng, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. Xếp hạng các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và cải cách hành chính của TPHCM chưa đạt kỳ vọng.

"Nhân đây, tôi đặt câu hỏi cho các đồng chí, thành phố có coi những căn nhà tạm bợ, cũ nát chạy dọc các kênh, rạch, sông, ngòi ngay trong thành phố, rất ô nhiễm, mất mỹ quan, người dân sống khổ cực là trong diện nhà cũ nát, tạm bợ, cần được hỗ trợ xóa bỏ hay không? Kế hoạch thế nào? Có nên đề ra phương hướng giải quyết ngay trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ thành phố hay không?", Tổng Bí thư đặt câu hỏi.

Những cái được rất lớn, nhưng những bất cập cũng phải mạnh dạn nhìn nhận.
Tổng Bí thư Tô Lâm

Đối với tỉnh Bình Dương, dù là điểm sáng về công nghiệp hóa, thu hút vốn FDI nhưng mô hình tăng trưởng còn dựa nhiều vào sản xuất, gia công, thâm dụng lao động, đất đai, thiếu trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng xã hội và năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ công nghiệp hóa, chất lượng sống chưa đồng đều giữa các khu vực.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế là cảng biển nước sâu nhưng du lịch vẫn gặp khó về liên kết vùng, phát triển các chuỗi giá trị. Cảng Cái Mép - Thị Vải có năng lực cạnh tranh quốc tế nhưng kết nối, hậu cần còn rời rạc, thiếu hệ sinh thái logistics hiện đại, du lịch vẫn mang nặng tính mùa vụ, chưa gắn với đô thị thông minh, y tế, nghỉ dưỡng cao cấp hay dịch vụ sáng tạo khác.

"Những cái được rất lớn, nhưng những bất cập cũng phải mạnh dạn nhìn nhận. Khi chúng ta hợp nhất, thành lập TPHCM mới cần phát huy lợi thế, ưu điểm, đồng thời phải nhìn ra được những tồn tại, bức xúc để khắc phục", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Câu hỏi được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra khi nói về TPHCM mới - 3

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Q.Huy).

Tổng Bí thư cho biết, việc thành lập TPHCM mới đánh dấu bước chuyển mình mang tính bước ngoặt, chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam. Đây là sự tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển, nơi 3 cực kinh tế năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành siêu đô thị tài chính - công nghiệp - cảng biển.

Tầm nhìn cho TPHCM mới được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là trở thành “siêu đô thị quốc tế” của Đông Nam Á, một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động. 

TPHCM mới sẽ là một trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực; với định hướng phát triển trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, bền vững về môi trường, xã hội hài hòa, gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới; phấn đấu là nơi hấp dẫn, hội tụ nhân tài, giới sáng tạo, doanh nhân trong nước và quốc tế, là nơi thuận lợi khởi nghiệp, sáng tạo, ươm mầm những xu hướng mới và mô hình tiên tiến.