Tổng Kiểm toán nói về việc kiểm toán 60 dự án, giảm 300 năm thu phí
(Dân trí) - “Thực tế, kiểm toán 60 dự án PPP đã cắt giảm gần 300 năm thu phí. Vậy nếu không kiểm toán thì có dẫn được tới kết quả đó không?” - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu vấn đề.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (15/6), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định việc cắt giảm các cuộc kiểm toán sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng kiểm toán. Thậm chí, theo ông Phớc, do cắt giảm càng cần phải đánh giá một cách đúng đắn, xác định đúng, có kiến nghị đúng và đặc biệt là xác định được, bịt được lỗ hổng có khả năng gây ra thất thoát…
- Chính phủ vừa trình Quốc hội cắt giảm các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán trong năm 2020. Ông nhìn nhận việc này như thế nào?
- Năm 2020, Kiểm toán nhà nước giảm 35% số cuộc kiểm toán so với năm 2019. Vừa qua, khi dịch Covid-19 xảy ra, Kiểm toán nhà nước cũng giảm đầu mối, không thực hiện đối chiếu thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này dẫn đến nhiều nghi ngại sẽ có kẽ hở khiến các sai phạm không được kịp thời phát hiện.
- Vụ sai phạm, tiêu cực nâng khống giá thiết bị y tế chống dịch Covid-19 chẳng phải là một cảnh báo cho thấy khi tình hình phức tạp càng cần phải tăng cường giám sát sao, thưa ông?
- Chúng tôi phải chọn mẫu, chọn điểm trọng yếu để kiểm toán chứ. Những vấn đề quan trọng, nhạy cảm thì vẫn phải giữ để kiểm toán.
- Nhưng cắt giảm thời lượng kiểm toán thì chất lượng kiểm toán có đáp ứng được không, còn đầu mối kiểm toán thì đã được Quốc hội thông qua rồi?
- Các đầu mối, thẩm quyền quyết định thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định sau khi có ý kiến của Quốc hội. Giảm đầu mối không có nghĩa là giảm các cuộc kiểm toán, mà là giảm các đối tượng liên quan, các doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc.
Còn các vấn đề cốt lõi trong kiểm toán vẫn phải giữ để thực hiện. Chất lượng kiểm toán cũng vẫn phải đảm bảo, nâng lên. Chúng tôi đặt mục tiêu, kiểm toán không chỉ giúp tăng thu cho ngân sách mà phải đánh giá một cách đúng đắn, xác định đúng, có kiến nghị đúng và đặc biệt là xác định được, bịt được lỗ hổng có khả năng gây ra thất thoát, kiến nghị hoàn thiện chính sách, siết chặt kỷ luật kỷ cương về mặt tài chính.
Chúng tôi có 40 chuẩn mực kiểm toán và căn cứ vào hệ thống chuẩn mực đó để xác định những lỗ hổng có khả năng gây thất thoát.
Về phương pháp, quy trình, Kiểm toán nhà nước cũng có quy trình lựa chọn trọng yếu và rủi ro trong quá trình kiểm toán, căn cứ vào đó để xác định vấn đề cần đi sâu, tập trung kiểm tra.
- Liên quan đến quy định kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang còn gây tranh cãi khi thảo luận luật kiểm toán, Kiểm toán nhà nước nhắm đến nội dung gì khi đề xuất được tham gia kiểm toán các dự án thuộc diện này?
- Trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước là phải kiểm toán các dự án PPP mà nhà nước có chủ trương đầu tư và sản phẩm tạo ra được bàn giao cho Nhà nước. Có kiểm toán mới xác định được tính tuân thủ của pháp luật và giá trị công trình mà nhà đầu tư hoàn thành. Đó cũng là cơ sở xác định việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư, đảm bảo công khai minh bạch, để mọi người giám sát.
- Thảo luận về việc triển khai các dự án cao tốc Bắc Nam, chính lãnh đạo Quốc hội cũng cảnh báo, hiện tại nhà đầu tư đã không mặn mà, nhà nước rất khó gọi doanh nghiệp tham gia các dự án PPP, cụ thể là dự án BOT, thêm cơ chế kiểm toán cả trước, sau dự án nữa sẽ khiến các nhà đầu tư thêm e ngại?
- Nếu làm đúng thì không việc gì e ngại. Các bên đều phải công khai, minh bạch. Nếu kiểm toán ra một vấn đề, chúng tôi sẽ yêu cầu các bên giải trình. Nếu giải trình đúng thì kết luận đúng, đây cũng là dân chủ trong thực hiện các quy định. Người dân, Nhà nước đều cần minh bạch hoạt động, nếu làm đúng thì không sợ gì.
Thực tế vừa qua, kiểm toán 60 dự án PPP thì đã giảm gần 300 năm thu phí, đó là minh chứng cho câu hỏi, nếu không kiểm toán thì có thu hồi được các dự án đã thu vượt không, có giảm được thời gian thu phí không.
- Vậy việc kiểm toán các dự án giao thông trọng điểm thời gian qua đã đề ra được hướng khắc phục thế nào, thưa ông?
- Chờ luật thôi, phải xem kiểm toán có được vào không, được tham gia thế nào. Hiện dự thảo luật Kiểm toán sửa đổi có ý kiến là chỉ cho kiểm toán chỉ số thôi nhưng như vậy không đúng.
Kiểm toán hoạt động là đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh hoặc các báo cáo kiểm toán, hoặc các dự án công trình. Kiểm toán tuân thủ xem có tuân thủ pháp luật hay không, xác định các nghiệp vụ tài chính phát sinh.
Kiểm toán có thể lựa chọn hình thức, loại hình kiểm toán và phương pháp kiểm toán, phải là do quyết định của kiểm toán nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Thái Anh