1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Tính cách “buộc” đại biểu Quốc hội dự họp đầy đủ

(Dân trí) - Chiều 24/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Vấn đề kỷ luật của kỳ họp, trách nhiệm dự họp của đại biểu được đặt ra thẳng thắn trước thực tế phản ứng không bằng lòng của cử tri về việc đại biểu viện dẫn bận việc riêng để vắng mặt.

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nêu rõ, sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Từ năm 2002 đến nay, đã có những đổi mới, cải tiến về công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục thực hiện xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp theo hướng phát huy dân chủ, khoa học, tính chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan.

Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được khắc phục như còn thiếu quy định về: trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định một số vấn đề quan trọng; nguyên tắc, cách thức tiến hành các phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban tổ chức tại kỳ họp Quốc hội; xem xét, quyết định và điều chỉnh chương trình kỳ họp Quốc hội; thực hiện quyền ứng cử và đề cử...


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cử tri không bằng lòng với việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều vì việc riêng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cử tri không bằng lòng với việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều vì việc riêng.

Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý là quy định về vấn đề trách nhiệm dự họp của đại biểu. Dự thảo nội quy đề xuất quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp được ghi vào Biên bản phiên họp.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Lý cũng đề nghị cân nhắc quy định trường hợp cần thiết, đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp Quốc hội thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đồi).

Cơ quan thẩm tra đặt vấn đề, cần nghiên cứu phân loại cụ thể các trường hợp đại biếu Quốc hội vắng mặt, từ đó quy định trách nhiệm báo cáo của đại biểu Quốc hội cho phù họp với từng trường hợp. Trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt dài ngày thì cần gửi văn bản đến Tồng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 1-2 buổi vì lý do giải quyết công việc ở cơ quan, địa phương hoặc tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội thì chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực tế, vừa qua, cử tri và ngay cả các đại biểu Quốc hội trong nội bộ các đoàn không bằng lòng việc có đại biểu lợi dụng bận việc riêng để vắng mặt. Theo ông Phước, trách nhiệm quan trọng số 1 của người đại biểu Quốc hội là phải tham dự đầy đủ các ngày họp. Bởi Quốc hội làm việc tập thể.

Do đó, ông Ksor Phước đề nghị quy định đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 1/5 thời gian trong cả kỳ họp nếu không có lý do chính đáng. Tuỳ số ngày nghỉ các đại biểu vắng có thể không báo cáo Chủ tịch Quốc hội nhưng phải báo cáo trưởng đoàn, Tổng Thư ký.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chưa hài lòng với quy định về “trường hợp cần thiết” có thể phá lệ. Theo bà Mai, từ thực tiễn cho thấy những “trường hợp cần thiết” này dẫn đến quy định khó triển khai, thiếu nghiêm túc.

Chủ nhiệm UB Khoa học- Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề xuất hướng quản lý giờ giấc của đại biểu bằng việc điểm danh và tổng hợp hàng tuần rồi báo cáo các đoàn biết để người nghỉ nhiều cũng thấy ngượng mà không dám vắng mặt thêm nữa.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh nguyên tắc, người chủ toạ phiên họp, làm việc phải nắm được việc ai vắng, ai dự, dù chỉ một buổi họp hay nhiều ngày. Do đó, người nghỉ họp phải báo cáo. Còn hình thức để chủ toạ biết như thế nào là vấn đề khác và cần phải tính, căn cứ vào số ngày vắng họp.

P.Thảo