1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tìm nguyên nhân vụ nổ pháo hoa 4 người chết ở Mỹ Đình

Bốn người chết, ba người bị thương trong vụ nổ hàng chục tấn pháo hoa tại Mỹ Đình (Hà Nội) ngày 6/10 vừa qua chỉ là một phần vụ việc. Trước đó, những yếu kém trong quản lý, sử dụng pháo hoa tại đây đã bị lập biên bản.

Tìm nguyên nhân vụ nổ pháo hoa 4 người chết ở Mỹ Đình - 1
Những cột khói bốc cao từ hiện trường vụ nổ. Ảnh: từ Internet.

Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành - ông Bạch Quốc Việt - Trưởng Phòng An toàn Lao động Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: Theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH và do tính chất quan trọng đặc biệt của Đại lễ, Hà Nội đã kiểm tra an toàn các sàn diễn lưu động, các điểm vui chơi giải trí trong công viên có sử dụng thiết bị, trò chơi có tính chất nguy hiểm.

Đoàn đã kiểm tra 9 địa điểm. Riêng tại khu vực sân vận động Mỹ Đình, Đoàn đã kiểm tra vào sáng 4/10, hai ngày trước khi vụ nổ xảy ra.

Vi phạm nguyên tắc quản lý vật liệu nổ

Tại Mỹ Đình, Đoàn kiểm tra đã phát hiện thấy sai phạm gì?

Tại Mỹ Đình, chúng tôi rất quan tâm vì đây có hai sàn diễn lớn hàng trăm người có thể biểu diễn đồng thời. Khi nghe ông Adam Tan Eng Lum - Tổng Giám đốc Cty Glorious Pte Ltd (Singapore) thông tin về việc sử dụng các họng phun lửa và bắn pháo hoa, chúng tôi yêu cầu kiểm tra tiếp ngay việc này.

Anh Nguyễn Đình Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC- Công an thành phố đã đặt ra các câu hỏi cho các bên khi kiểm tra. Khi đó mới được biết là kho pháo hoa đang đặt ở ngay sát sân vận động! Chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra khu vực để ba container pháo hoa cách nơi biểu diễn chỉ chừng hơn 100 m.

Pháo hoa là một loại vật liệu nổ rất nguy hiểm. Trong quy định về quản lý pháo hoa còn đòi hỏi cao hơn, nghiêm ngặt hơn. Khi chúng tôi vào kiểm tra, thấy có mặt khoảng gần 20 người gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam đang vận chuyển quả pháo hoa, tháo gỡ từ containe ra ngoài.

Chúng tôi kiểm tra và góp ý ngay: Ra vào khu vực này phải có nội quy chặt chẽ, những ai được vào, những ai không được vào. Chúng tôi chỉ sợ là quản lý lỏng lẻo nên thất thoát pháo hoa ra ngoài thì hậu quả khôn lường.

Chúng tôi rất lo ngại vì khu vực tập trung pháo hoa khối lượng lớn như vậy nhưng không hề có nội quy, biển báo ra vào. Tất cả để trong nhà bạt dã chiến. Ngay như nơi đặt ống phóng, đã được đấu mạng chỉ cần bấm nút là nổ, chúng tôi yêu cầu phải có hàng rào bảo vệ, canh giữ.

Ngay cả khi kiểm tra, phương án phòng chống cháy nổ vẫn chưa được triển khai. Những bình bọt, dụng cụ chữa cháy vẫn xếp trong kho và khi đoàn kiểm tra nhắc nhở thì mới mang ra. Những dụng cụ này phải đặt ở những nơi dễ thấy, dễ lấy.

Về nhân sự thực hiện các thao tác kỹ thuật, tôi đã nhắc bên nước ngoài lẽ ra phải xin phép vì mức độ nguy hiểm tại đây quá cao. Đối với vật liệu nổ công nghiệp thì không có cơ hội sửa sai, chỉ một động tác vi phạm quy trình kỹ thuật thì có thể phải đổi bằng cả tính mạng.

Phát hiện ra sự tắc trách trong quản lý sử dụng kho pháo hoa, ông đã làm gì để ngăn chặn hậu quả?

Chúng tôi đã lập ngay biên bản nhắc nhở và gửi lên các đồng chí lãnh đạo. Nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là kiểm tra phát hiện để cảnh báo. Biên bản nhắc nhở, chúng tôi ký tại hiện trường và đã giao cho các bên liên quan. Sau đó chúng tôi đã báo cáo lên lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên vụ nổ vẫn xảy ra.

Doanh nghiệp XKLĐ được giao tổ chức bắn pháo hoa

Là người trực tiếp kiểm tra hiện trường trước và sau vụ nổ, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả này?

Nguyên nhân của vụ nổ, cơ quan điều tra (cả quân đội và công an) đang làm. Cần nói thêm là khi kiểm tra, tôi đã nhắc ông Hùng - Phó Tổng Giám đốc Cty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ quốc tế (Interserco): "Cả người Việt, người nước ngoài làm khá đông thì ai là người điều hành chung ở đây?" nhưng ông Hùng không trả lời được.

Không thể quản lý, sử dụng hàng chục tấn vật liệu nổ mà lại là một mớ hỗn độn được. Tôi yêu cầu đại diện của Singapore, Z121, Interserco... phải ngồi lại với nhau. Ai chịu trách nhiệm chung, và trách nhiệm từng khâu phải rõ.

Với những nhạy cảm nghề nghiệp, chúng tôi cũng biết được phần nào nguyên nhân vụ nổ, nhưng cứ để cơ quan điều tra làm, khi họ cần tham kiến thì tôi sẽ có chính kiến.

Theo báo cáo của ông Adam Tan Eng Lum thì pháo nhập khẩu từ ba nước (Italia, Trung Quốc, Singapore). Tôi lưu ý thêm, ngay như vận chuyển pháo hoa vật liệu nổ phải xin phép, có xe chuyên dùng chứ không phải thích chở bằng gì thì chở đâu. Kíp chở riêng, thuốc nổ riêng. Hiện nay chỉ có quân đội mới được giao sản xuất, quản lý, sử dụng vật liệu nổ.

Trường hợp doanh nghiệp được sử dụng vật liệu nổ thì đó phải là hoạt động có điều kiện (con người, phương tiện, cơ sở vật chất...), chứ không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Theo tôi biết, Interserco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lao động bình thường thôi. Tôi còn nghe thông tin Interserco từng báo cáo Thành phố, đề xuất vận chuyển pháo hoa bằng máy bay, chứng tỏ doanh nghiệp này không hiểu biết gì.

Theo quy định, ngay như vị trí chỉ huy bắn mìn ngoài công trường cũng phải có trình độ từ trung cấp mỏ trở lên. Vụ này nếu mổ xẻ ra còn nhiều vấn đề lắm. Giấy phép vận chuyển, sử dụng pháo hoa cho người nước ngoài hoạt động lĩnh vực này là do Bộ Công an cấp. Đáng ra họ phải thông báo cho chúng tôi biết.

Ngay cả cảnh sát PCCC Hà Nội cũng bất ngờ vì lúc ấy mới biết có 3 containe pháo hoa tại Mỹ Đình! Nếu phát nổ trong điều kiện môi trường kín thì không biết sức công phá sẽ đến đâu. May hôm đó container mở cửa ra.

Theo ông, việc sản xuất, quản lý và sử dụng pháo hoa nên giao cơ quan nào phụ trách là an toàn nhất?

Theo chúng tôi, nếu còn tổ chức bắn pháo hoa thì nên giao cho cơ quan có chuyên môn. Kể cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải có chuyên môn, vì vật liệu nổ liên quan quy trình vận chuyển. Cả 3 khâu vận chuyển, bảo quản và sử dụng đều yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt.

Không bao giờ cho phép vận chuyển pháo hoa, vật liệu nổ bằng máy bay và tàu hoả. Nên giao cho quân đội là tin tưởng nhất, hợp lý nhất, vì họ có đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ sâu, quản lý, sử dụng đúng quy trình kỹ thuật.

Theo Tuấn Minh
Báo Tiền phong