1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Thuyền viên mắc kẹt trong chiếc tàu lật úp được cứu như thế nào?

(Dân trí) - Với kinh nghiệm hơn chục năm lặn biển, khi hay tin chiếc tàu gặp nạn và có nhiều người đang mất tích, anh Phan Văn Minh (34 tuổi, quê Kiên Giang) và các đồng nghiệp đã không ngại hiểm nguy, lao xuống dòng nước chảy xiết, chui vào thân tàu đang bị lật úp để cứu các thuyền viên còn mắc kẹt bên trong…

Trước đó, khoảng 9h sáng 31/10, anh Minh cùng các thành viên trong nhóm đang neo đậu ghe ở khu vực biển Tiền Giang để lặn mò ốc như thường ngày. Lúc này, anh Minh nhận được cuộc điện thoại từ ngư dân Phạm Văn Thu (42 tuổi, ngụ Cần Giờ, TPHCM) nhờ lặn tìm người mất tích.

Ngay lập tức anh Minh cùng 7 thuyền viên khác giong thuyền đến khu vực yêu cầu.

Hiện trường tàu Hoàng Phúc 18 bị lật úp trên luồng Soài Rạp
Hiện trường tàu Hoàng Phúc 18 bị lật úp trên luồng Soài Rạp

Sau khoảng 1 tiếng, thuyền của anh Minh đã có mặt tại đoạn sông Soài Rạp - nơi chiếc tàu Hoàng Phúc 18 bị nạn và đang lập úp trên mặt sông.

Thông tin từ lực lượng cứu hộ tại hiện trường cho biết, đang có 5 người mất tích và nghi bị mắc kẹt bên trong thân tàu.

Ngay lập tức nhóm của anh Minh đề xuất phương án dùng ống thở để tiếp cận bên trong thân tàu tìm kiếm các nạn nhân và được lực lượng cứu hộ tại hiện trường đồng ý.

Lúc này anh Nguyễn Minh Luân (31 tuổi, quê Kiên Giang), là thành viên nhiều năm kinh nghiệm lặn biển được giao nhiệm vụ tiền trạm, lặn vào thân tàu để thị sát.

Khoảng 20 phút sau, anh Luân quay trở ra và cho biết đã phát hiện một thanh niên đang mắc kẹt bên trong thân tàu.

Nhóm cứu hộ tiếp cận hiện trường ban đầu nhưng không có hiệu quả
Nhóm cứu hộ tiếp cận hiện trường ban đầu nhưng không có hiệu quả

Sau đó, anh Luân cùng anh Minh mang theo bình dưỡng khí, mặt nạ để quay trở lại, lần lượt đưa nạn nhân đang mắc kẹt bên trong chiếc tàu ra ngoài.

Tuy nhiên, do thuyền viên của tàu Hoàng Phúc đang bị mắc kẹt bên trong không biết cách sử dụng mặt nạ dưỡng khí nên anh Minh đã phải "chế" lại mặt nạ khác để phù hợp.

Khi đưa được nạn nhân đầu tiên ra ngoài, anh Luân và nhóm ngư dân tiếp tục lặn ngụp trong xác tàu đắm để tìm kiếm những người bị nạn còn lại.

Từng tham gia nhiều vụ lặn biển cứu nạn, theo kinh nghiệm bản thân, anh Luân cho rằng, nếu còn người kẹt bên trong con tàu, cơ hội sống sót của các nạn nhân là không nhiều. Tuy nhiên, với phương châm còn nước còn tát, nhóm thợ lặn của anh Minh vẫn quần thảo trong con tàu chìm khoảng gần 1 tiếng mới kết thúc.

Nhóm lặn biển có mặt tại hiện trường để tiếp ứng
Nhóm lặn biển có mặt tại hiện trường để tiếp ứng

Ngay trong sáng 31/10,  ông Nguyễn Đình Việt  - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã có mặt tại hiện trường và trao thưởng nóng cho nhóm thợ lặn tham gia cứu hộ với số tiền 5 triệu đồng.

Trước đó, như Dân trí đã đưa, khoảng 20h tối 30/10, tàu Hoàng Phúc 18 chở theo 17 thuyền viên, khi neo đậu tại luồng Soài Rạp (khu vực tiếp giáp giữa TPHCM, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu) thì bất ngờ bị lật úp. Rất may có 1 sà lan và tàu cá đi ngang qua đã vớt được 12 thuyền viên, 5 người còn lại mất tích.

Đến sáng 31/10, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được với tàu Hoàng Phúc 18. Trưa cùng ngày (khoảng 11h30) đã cứu thêm được 1 thuyền viên và hiện vẫn còn 4 người đang mất tích.

Theo kế hoạch, công tác tìm kiếm các nạn nhân sẽ được tiếp tục triển khai từ sáng sớm hôm nay 1/11.

Chiếc phao dùng để đánh dấu vị trí của nhóm lặn
Chiếc phao dùng để đánh dấu vị trí của nhóm lặn

Anh Nguyễn Minh Luân người đầu tiên tiếp cận thân tàu Hoàng Phúc 18 bị lật úp để cứu một thuyền viên mắc kẹt bên trong

Anh Nguyễn Minh Luân người đầu tiên tiếp cận thân tàu Hoàng Phúc 18 bị lật úp để cứu một thuyền viên mắc kẹt bên trong

Đình Thảo

xahoi-1446030548815