1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thuyền trưởng Tàu không số kể về đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại

(Dân trí) - 50 năm đã qua nhưng ký ức về những tháng ngày lênh đênh trên Tàu không số vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những nỗi đau như một vết sẹo khó lành mãi ám ảnh người thuyền trưởng, đó là ký ức về những đồng đội đã bỏ lại thân mình nơi biển cả...

Nhiều người bất ngờ khi gặp lại Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, Cựu chiến binh Hải quân Việt Nam tại trường quay Đài Truyền hình Việt Nam, trong chương trình Giai điệu Tự hào tháng 9 - Bám biển quê hương ngày 19/9 tại Hà Nội. Bất ngờ hơn, khi ông được mời làm thành viên Hội đồng bình luận chương trình, bên cạnh nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tiến sĩ Trần Công Trục - chuyên gia biển Đông, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ…

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1941, quê Bến Tre) cùng huyền thoại Tàu không số đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ông cũng một trong những người đầu tiên vượt biển từ Nam ra Bắc để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Những năm tháng lịch sử hào hùng ấy đã được ông chia sẻ trong chương trình.

Chỉ mong về thắp nén nhang cho đồng đội

Tháng 6/1961, chiến trường miền Nam bước vào cuộc chiến chống Mỹ cam go. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, ông Đức cùng 5 đồng đội lên đường ra Bắc để chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam trên một chiếc tàu gỗ đánh cá ọp ẹp.

Chuyến đi đầu tiên nhằm khảo sát tình hình hoạt động của địch, địa hình, đường đi,... Vượt qua 2.000 km trên biển chỉ với một tấm bản đồ sơ sài, qua bao vòng vây bom đạn của địch, cuối cùng ông Đức và đồng đội cũng ra được miền Bắc trong sự bất ngờ của những người chỉ huy, và cả chính bản thân ông.


Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, CCB Hải quân Việt Nam kể lại những năm tháng gắn bó với Đoàn tàu không số.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức) - nguyên thuyền trưởng Tàu không số, CCB Hải quân Việt Nam kể lại những năm tháng gắn bó với Đoàn tàu không số.

Chuyến đi đầy bão táp ấy đã mở ra chương đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Ngày 23/10/1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu Đoàn tàu không số. Trong suốt 14 năm từ đó cho đến ngày toàn thắng, hàng trăm con tàu gỗ nhỏ mong manh như chiếc lá giữa biển khơi đã chuyên chở vào chiến trường miền Nam hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa. Cùng với đó, là tấm lòng của hậu phương miền Bắc.

Ông Sáu Đức kể, hiểm nguy nơi biển cả bao la với những cơn bão khủng khiếp cũng chưa thấm vào đâu nếu so với những cuộc lùng sục của kẻ thù gồm hàng trăm chiếc tàu của hạm đội 7 Mỹ, hải quân Ngụy, máy bay trinh sát và cả vệ tinh do thám của Mỹ.

“Đầu không đội trời, chân không đạp đất, không có thứ gì để chiến đấu và chống trả. Không chỉ vậy, chúng tôi còn đương đầu với gió bão. Sóng gió cấp 6-7 là lúc tàu bắt đầu đi, vì chỉ khi đó mới gặp ít nguy cơ phải đương đầu với địch. Đi lúc bão mà thành công còn hơn đi trong trời êm mà phải phá tàu”, ông Đức kể lại.

50 năm đã qua nhưng ký ức về những tháng ngày lênh đênh trên Tàu không số vẫn vẹn nguyên trong ông. Có những nỗi đau như một vết sẹo khó lành mãi ám ảnh người thuyền trưởng giờ đã bước vào tuổi thất thập. Đó là vào ngày 27/2/1968, khi chiếc tàu mang số hiệu 43 chở hơn 40 tấn vũ khí vào cảng Lý Sơn, Quảng Ngãi thì bị địch phát hiện. 17 chiến sĩ trên tàu thì 3 người thiệt mạng, 12 người bị thương. Mọi người cùng dìu nhau bơi vào đất liền để tìm sự giúp đỡ. Tàu cũng được kích nổ để phá.

Ông Đức đau xót nhớ về người đồng đội trẻ mới ngoài 20 không may mắn. Chiến sĩ Vũ Xuân Ruệ quê ở Tiền Hải, Thái Bình mới cưới vợ được 3 ngày đã lên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Bị thương nặng trên khoang lái, chàng trai trẻ chỉ kịp mấp máy với ông: “Anh Đức ơi, chắc em chết mất thôi. Chúc các anh chiến đấu thắng lợi, về miền Bắc an toàn”, rồi gục xuống tắt thở. “Cậu ấy chết trên tay tôi. Một chàng trai trẻ 24 tuổi, mới cưới vợ được 3 ngày đã lên đường làm nhiệm vụ. Rồi hy sinh ngay sau đó. Tôi thương đồng chí lắm. Đồng chí mất trên biển cũng không còn xác nữa”, giọng ông Đức nghẹn ngào.

Vào đến bờ, các chiến sĩ bị thương được người dân đưa vào bệnh xá Đặng Thùy Trâm và được chính bác sĩ Đặng Thùy Trâm tận tình cứu chữa và chăm sóc. 35 ngày sau, tất cả bình phục lại tiếp tục lên đường.

Chuyến tàu thành công nhất

Sau sự kiện Vũng Rô năm 1967, đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Mỹ lập tức siết chặt khu vực biển Đông, tăng cường tàu tuần tiễn, máy bay trinh sát để ngày đêm săn lùng, âm mưu cắt đứt hoàn toàn đường biển nối liền tiền tuyến với hậu phương.

Suốt 3 năm liền (1965-1968), không một con tàu nào của ta lọt qua được vùng biển này. Thất bại, các chiến sĩ phải phá tàu bơi vào bờ. Quân ta trên chiến trường miền Nam lâm vào cảnh khó khăn, nhiều chiến sĩ hy sinh. Tình thế ấy buộc Trung ương Đảng phải chỉ huy một chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam bằng mọi giá.

Đó là vào tháng 10/1969, khi cả nước đang chìm trong nỗi đau vì Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới qua đời. Ông Sáu Đức khi đó được điều làm thuyền phó tàu 154 nhận nhiệm vụ mới là đi khắp vùng biển các nước Đông Nam Á tìm đường vào Nam. Khi đó, tàu 154 đang nằm ở Xưởng 3, Hải Phòng.

Đó là chuyến đi đáng nhớ nhất, cũng là chuyến đi dài nhất của ông trên biển. Bình thường, mỗi hải trình của Tàu không số chỉ kéo dài 5, 6 ngày nhưng lần này, để tránh nanh vuốt của địch, tàu 154 phải đi ra ngoài vùng biển tự do khắp Đông Nam Á, vòng qua hàng loạt các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia rồi mới quay trở lại miền Nam Việt Nam.

Ông Đức kể, trong đêm cuối cùng khi tàu đi từ Malaisia sang đảo Hòn Khoai (Cà Mau), trời mưa tầm tã, thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam thắp đèn sáng rực trên biển. Mưa bão và sóng trên tàu đánh cá khiến ra đa trinh sát của địch bị nhiễu. Tận dụng cơ hội này, tàu 154 tranh thủ len lỏi vào vùng đánh cá của dân rồi mở hết tốc độ, lao thẳng vào bến trên đất liền. 1h sáng, tàu cập cảng. Ai nấy đều vui mừng khôn siết.

Người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân.
Người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân.

“Mọi người cho rằng, vong linh Bác Hồ đã phù hộ nên tàu mới cập bến trót lọt. Chuyến tàu đó, chúng tôi chở được 60 tấn vũ khí để chi viện, góp phần không nhỏ vào công cuộc thắng lợi của miền Nam, ổn định chiến trường, giữ vững vùng giải phóng. Thành công của chuyến đi này là điều nằm ngoài sức tưởng tượng. Ngay đồng chí Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn còn không tin nổi, gọi điện xác nhận liên tục”, ông Sáu Đức nhớ lại.

Theo ông Đức, khi Bác Hồ qua đời, anh em đã hạ quyết tâm dù có hy sinh cũng phải đưa bằng được một chuyến tàu vào miền Nam dù tình hình lúc đó vô cùng khó khăn. May mắn là chuyến đi thành công tốt đẹp, tàu 154 được Nhà Nước phong tặng Huân chương “Anh hùng lực lượng vũ trang”. 18 chiến sĩ trên tàu đều được tặng thưởng Huân chương hạng Nhất tới hạng Ba. Với không chỉ cá nhân ông Sáu Đức, đó là một chuyến đi để đời.

Đi qua hơn nửa thế kỷ, vượt qua bao giông bão, bom đạn, người cựu chiến binh già vẫn còn đau đáu trong lòng nỗi trăn trở, nhiều đồng đội của ông đã bỏ lại thân mình nơi biển cả, chưa được về đất liền, đoàn tụ anh em, người thân...

Hoàng Anh