Quảng Ngãi:
Thương cây cầu tạm 35 năm lắp rồi lại dỡ
(Dân trí) - Bình Dương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là một xã cù lao nằm lọt thỏm trong lòng con sông Trà Bồng bốn mùa nước lớn. Người dân nơi đây cứ mùa mưa về là sống cảnh biệt lập. Ước mơ về một cây cầu chưa bao giờ thôi khắc khoải.
35 năm lắp cầu rồi… dỡ cầu
Chị Phạm Thị Đáng, 50 tuổi, người trực tiếp trông giữ cầu, kể câu chuyện về sự hình thành cây cầu: Nơi đây ngày trước là một bến đò, bên này đất đai tươi tốt, người dân qua lại làm ăn nhiều rồi định cư lại đây luôn. Sau giải phóng, xóm ngày càng đông, bà con gom góp sức người, chặt tre quanh làng đem đóng cọc, bắc thanh tre ngang để làm cầu tạm qua sông.
Ban đầu mặt cầu được ghép bằng cọc tre, nhưng cọc tre sắc, thường chọc chảy máu chân, thủng lốp xe đạp nên sau này bà con chuyển sang ghép bằng gỗ dương liễu. Từ bến phà chuyển sang cây cầu tạm, xem như đã là một cuộc đổi đời của bà con. Có điều cuộc sống giờ đã khác so với mấy chục năm trước, mà cây cầu không mấy thay đổi. Hiện mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người qua cầu.
Chuyện rơi khỏi cầu xảy ra như cơm bữa, nhiều cú ngã cầu thương tâm không ai muốn nhớ. Cũng đã có những cái chết thương tâm trong mùa “cầu nằm nghỉ”, dân phải đi đò trong nước lũ để qua sông…
Chuyện buồn từ cây cầu tạm
Chị Đáng vẫn nhớ hồi gần cuối năm ngoái, bà Phan Thị Rý (60 tuổi) đi đò khi sóng lớn, bị lật đò, không ai kịp cứu. Người dân cũng chưa quên chuyện gần 40 người suýt bị nước lũ cuốn trôi trong đợt bão lũ lịch sử tháng 9 năm ngoái. Khi đó, người dân bên này vẫn phải qua bên kia sông để sản xuất, trồng lúa, nuôi tôm, nuôi trâu bò… Mùa thu hoạch tôm cũng là mùa nước lớn.
Khi cơn lũ kéo về, họ không thể bỏ số tài sản cả năm trời vun bón nên đã cùng nhau qua đó để trực. Không ngờ cơn lũ lớn hơn dự đoán, nước băng trắng xóa, cuốn trôi tất cả, mọi liên lạc chỉ con lại chiếc điện thoại duy nhất của một người dân còn giữ được. Cơn lũ hung tàn, không ai có thể đi đò qua sông cứu người. Gần 40 sinh mạng dường như đã được an bài, họ dùng một sợi dây thừng buộc trâu buộc vào tay nhau để cùng chết, sau này người thân dễ tìm xác.
Lại có câu chuyện về một đám tang, vừa đi đến giữa cầu thì cầu gãy. Cả xe tang lẫn người đưa tang đều rơi xuống sông, quan tài trôi bập bềnh theo dòng nước. Cái cảnh bao nhiêu người chới với níu quan tài vào bờ khiến những người chứng kiến khó cầm lòng.
Trong cơn lũ năm 1999, cũng tại khúc sông này, đã có 4 người trong một gia đình khi đi làm về qua sông đã bị dòng nước cuốn trôi, chết cả.
Mơ một cây cầu lớn
Xã Bình Dương được ôm bởi con sông Trà Bồng, quanh xã có một hệ thống cầu, phà dày đặc. Đã có một số điểm cầu được xây dựng bán kiên cố, để dân yên tâm hơn mỗi khi qua cầu.
Phó Bí thư thường trực xã, anh Đỗ Minh Huấn, cho hay, toàn xã trước đây có 4 cây cầu tạm bằng gỗ, tre do dân tự góp vốn, góp sức bắc lên. Sau này nhà nước có xây một số cây cầu kiên cố nối liền các xã. Nhưng đó là cầu liên xã, còn cầu liên thôn thì vẫn vậy, bà con hàng năm vẫn phải làm đi làm lại cầu ít nhất hai lần do không tháo dỡ kịp, bị lũ cuốn trôi mất cầu.
Theo anh Huấn, người dân nơi đây mỗi năm chỉ thu nhập chừng 4-5 triệu đồng, vậy mà riêng mỗi lần làm cầu tạm cũng tốn gần 30 triệu đồng. Cầu tạm Đông Minh có lưu lượng người qua lại rất cao. Xã đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền xin xét duyệt cấp vốn cho xây cầu. Phối hợp với huyện, đã nhiều lần xã tổ chức khảo sát, thiết kế để trình lên tỉnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có một phản hồi nào.
Nói về chuyện này, bà con thở dài: “Trên hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng đóng góp thêm. Nhưng 35 năm nay chúng tôi vẫn sống như thế, có được ai đoái hoài!”.
Trọng Huy