1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế phản hồi ý kiến cấm xe cỡ lớn lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Vi Thảo

(Dân trí) - Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thực tế triển khai phương án phân luồng giao thông trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn để có kiến nghị điều chỉnh phù hợp.

Từ 6h ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên (gọi tắt là xe cỡ lớn) sẽ không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo phân luồng lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn), sau khi phân luồng, các phương tiện nói trên sẽ lưu thông trên quốc lộ 1A và các đường khác.

Thừa Thiên Huế phản hồi ý kiến cấm xe cỡ lớn lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - 1

Từ 6h ngày 4/4, các xe cỡ lớn sẽ không được đi lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (bên phải) (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, việc phân luồng ngoài các yếu tố khai thác cao tốc tối ưu hơn, cũng tạo điều kiện để các cơ quan hoàn thành hồ sơ, trình Quốc hội thông qua phương án nâng cấp tuyến đường lên thành 4 làn xe.

Nếu thuận lợi, dự kiến đến cuối năm 2025, dự án mở rộng, nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành.

Trước khi Cục Đường bộ Việt Nam ban hành quyết định, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn góp ý, không đồng ý với phương án phân luồng xe cỡ lớn lưu thông xuống quốc lộ 1A.

Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu phương án phân luồng giao thông theo thời gian phù hợp, nhằm giảm áp lực lưu lượng lên quốc lộ 1A đoạn phía nam tỉnh này.

Sau khi báo chí phản ánh ý kiến của 2 địa phương nói trên, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không thay đổi phương án phân luồng, đề nghị địa phương ủng hộ, chia sẻ, đồng hành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nói chung, nâng cao an toàn giao thông của hệ thống quốc lộ nói riêng, nhất là tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân kỳ đầu tư.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua phần lớn vùng đồi núi, có địa hình phức tạp, do đó tuyến dốc hơn so với quốc lộ 1A, khu vực tuyến đi qua mưa nhiều, về đêm hay có hiện tượng sương mù, dẫn đến mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế.

Trong thời gian 15 tháng kể từ khi đưa tuyến cao tốc này vào khai thác tạm đến nay, do đặc thù tuyến đường, nhiều xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo dốc thường không đạt được tốc độ tối thiểu theo quy định (thực tế tốc độ chỉ đạt 35-40km/h so với yêu cầu 60km/h), dẫn đến hiện tượng lấn làn, vượt xe trái phép, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và giảm năng lực thông hành của tuyến.

Mặt khác, do điều kiện địa hình tuyến khó khăn nên các xe tải nặng dễ bị hư hỏng khi tham gia lưu thông. Khi xảy ra sự cố, xe thường dừng, đỗ chiếm một phần làn xe chạy dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các phương tiện cùng chiều.

Qua đối chiếu số liệu với năng lực thông hành, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã mãn tải, còn trên quốc lộ 1A chưa mãn tải, có thể cho phép phân luồng một số xe sang quốc lộ 1A.

Thừa Thiên Huế phản hồi ý kiến cấm xe cỡ lớn lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - 2

Ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời về vấn đề phân luồng giao thông đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, tỉnh ủng hộ các quyết định của Cục Đường bộ Việt Nam với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn xảy ra, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Thắng, khi phương án phân luồng giao thông đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn được triển khai, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục bám sát, theo dõi việc thay đổi này có tác động đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc, quốc lộ 1A và các đường khác, để đưa ra ý kiến kiến nghị bổ sung phù hợp với thực tế tình hình.