Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Việt Nam sẽ không thiếu điện"

Hoài Thu

(Dân trí) - Chia sẻ với các nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết năm 2024, dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có ngày vượt 1 tỷ kWh/ngày - mức cao nhất lịch sử, song cung ứng điện ở Việt Nam vẫn được bảo đảm.

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF, tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), sáng 26/6.

Minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế

Giáo sư Klaus Schwab cho biết WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.

Ông Brand Cheng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn, nhắc lại tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là minh chứng cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẽ không thiếu điện - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Dương Giang).

Sau khi lắng nghe ý kiến và đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về một số nội dung cụ thể.

Liên quan vấn đề cung ứng điện mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng cho biết năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh/ngày - cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm.

Với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện. Ông dẫn chứng các đường dây 500kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng nay chỉ mất khoảng 6 tháng.

Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch,  Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách với việc chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên, khí LNG.

Với nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.

Mặt khác, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng

Chia sẻ định hướng thời gian tới, Thủ tướng khẳng định "Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng", với các nhóm giải pháp lớn.

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẽ không thiếu điện - 2

Buổi thảo luận giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF (Ảnh: Dương Giang).

Về chính sách thương mại, Việt Nam chủ trương đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã có, các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Một giải pháp quan trọng khác được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập là huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho tăng trưởng và phát triển.

"Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam cũng như tình hình, xu thế thế giới", Thủ tướng chia sẻ.

Đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, Thủ tướng cam kết bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ông nhấn mạnh phương châm hợp tác "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", tinh thần "3 cùng" giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân, gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

WEF đánh giá cao triển vọng, môi trường đầu tư của Việt Nam

Tiếp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tầm nhìn của Giáo sư Schwab và vai trò quan trọng của Diễn đàn WEF trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu, đặc biệt là hợp tác công - tư.

Chúc mừng thành công của Hội nghị WEF Đại Liên 2024, Thủ tướng đánh giá cao chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" đã truyền cảm hứng cho các quốc gia và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung tay xây dựng nền kinh tế trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẽ không thiếu điện - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab (Ảnh: Dương Giang).

Giáo sư Schwab cũng chia sẻ ấn tượng trước những thông điệp của Thủ tướng tại Phiên khai mạc toàn thể và sự chân thành, cởi mở của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong trao đổi với các CEO hàng đầu của WEF.

Ông cho biết WEF và các tập đoàn thành viên đánh giá cao triển vọng, môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam. WEF nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

Theo ông Klaus Schwab, WEF chào đón việc Việt Nam tham gia vào mạng lưới  Cách mạng Công nghiệp 4.0 của WEF và đánh giá đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ chia sẻ tri thức về công nghệ, mà còn tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp này, Giáo sư Schwab đã trân trọng chuyển thư mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos năm 2025.

Hoài Thu (Từ Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc)