Thủ tướng nêu những "từ khóa" làm nên sự thành công của Việt Nam
(Dân trí) - Đổi mới, sáng tạo và hội nhập, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là những từ khóa then chốt gắn với sự thành công của Việt Nam, đưa Việt Nam thành nước nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đại Liên (WEF Đại Liên) diễn ra sáng 25/6, với những bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
4 đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc
Với chủ đề " Những chân trời tăng trưởng mới", Hội nghị năm nay thảo luận một trong những mối quan tâm hàng đầu của các Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đó là vượt qua những giới hạn để tăng trưởng, tìm kiếm những con đường, mô hình tăng trưởng mới và tận dụng những tiềm năng và cơ hội phát triển mới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những chuyển biến sâu sắc.
Đây là lần thứ ba liên tiếp WEF mời Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên, không chỉ thể hiện sự coi trọng của WEF đối với Việt Nam mà còn là sự đánh giá cao của WEF với vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề toàn cầu, cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về đổi mới, hội nhập và phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng, mở ra những không gian phát triển mới.
Thủ tướng Lý Cường đưa ra 4 đề xuất. Một là tăng cường hợp tác phát triển và chia sẻ công nghệ trên tinh thần cùng thắng. Hai là phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ba là thúc đẩy thị trưởng mở, tăng cường mở cửa, tương tác, phá bỏ các rào cản hướng đến chân trời mới và bốn là phát triển bao trùm, cùng có lợi; hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng. Ông kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chia sẻ công thức thành công để đưa nền kinh tế nước này trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Liên minh châu Âu.
Kết quả này, theo ông Andrzej Duda, nhờ vào các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Bài học thành công và đề xuất của Việt Nam
Trong phần giới thiệu Thủ tướng Việt Nam phát biểu, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhận định sâu sắc về 5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới cùng 3 yếu tố chủ đạo tác động, ảnh hưởng tới thế giới hiện nay và 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai.
Những vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra chân trời tăng trưởng mới, đòi hỏi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập.
Từ một nước bị tàn phá sau 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Thủ tướng, những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Việt Nam với quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt là giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Để hướng tới "Những chân trời tăng trưởng mới", Thủ tướng đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu; tăng cường hợp tác, ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá…
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế thực hiện "3 cùng": Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về "Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế".
Phát biểu tại đây, Thủ tướng đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên, bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.