Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Trung Quốc
(Dân trí) - Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong 4 ngày với hoạt động chính là tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc.
Sáng 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài sang Trung Quốc.
Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Phó Chánh văn phòng trung ương Đảng Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/6, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới, lần thứ nhất vào năm 2023 tại Thiên Tân (Trung Quốc).
Điều này thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực, theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo, đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc.
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu đặc biệt trong phiên khai mạc toàn thể; chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về những vấn đề như cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ những đánh giá, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thách thức, xu hướng điều chỉnh và các mô hình mới tác động đến kinh tế thế giới trong ngắn hạn và dài hạn.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đề xuất các giải pháp ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế, tận dụng các cơ hội, tiềm năng hiện có…
Thông qua hội nghị quan trọng này, Thủ tướng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đề cao thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, truyền tải thông điệp về chủ trương, định hướng, mô hình phát triển của Việt Nam để từ đó kêu gọi WEF, các Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tăng cường hợp tác chiến lược, đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, theo Đại sứ Phạm Sao Mai.
Về mối quan hệ song phương, Đại sứ nhấn mạnh sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện, Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định chuyến công tác của Thủ tướng lần này sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới, nhằm định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng; 1 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân và 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN cấp Thủ tướng.