Thủ tướng sắp dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới và làm việc tại Trung Quốc
(Dân trí) - Trong 4 ngày sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc.
Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao.
Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam diễn ra từ ngày 24 đến 27/6.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ.
WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN…
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới, nhằm định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng; 1 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân và 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN cấp Thủ tướng.
Trong đó, tại Hội nghị WEF Thiên Tân hồi tháng 6/2023, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.
Biên bản ghi nhớ này tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR).