1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng làm việc với Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN

Sáng 27/ 2 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Nội dung làm việc gồm: Tổng LĐLĐ VN báo cáo kết quả việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ VN năm 2012, trọng tâm công tác phối hợp năm 2013; một số kiến nghị của Tổng LĐLĐ VN với Chính phủ.
Buổi làm việc giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Buổi làm việc giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
 

 Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo “Tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành về một số kiến nghị của Tổng LĐLĐ VN.

 

Đây là cuộc làm việc thường kỳ giữa hai cơ quan.

 

Theo Báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình, trong năm qua, sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN tiếp tục đạt nhiều kết quả. Qua đó, Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lí, điều hành. Tổ chức CĐ tiếp tục phát huy được vai trò, tích cực vận động CNVCLĐ thi đua LĐSX, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nổi bật là công tác phối hợp tham gia xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong năm 2012 của Tổng LĐLĐVN và các cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng Luật CĐ, Bộ luật LĐ; phối hợp công tác nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và các văn bản pháp luật có liên quan; tích cực phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả…

 

Kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác còn được đánh giá ở các lĩnh vực phối hợp: Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các phong trào thi đua; tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của NLĐ và tổ chức CĐ; hoạt động đối ngoại; thông tin báo cáo; việc cử đại diện tham dự các phiên họp, hội nghị.

 

Theo đó, tổ chức CĐ và chính quyền các cấp đã phối hợp, có nhiều sáng kiến, giải pháp hỗ trợ NLĐ, DN trong giải quyết việc làm, thu nhập, đảm bảo đời sống của NLĐ. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở được các cấp CĐ chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức thực hiện hiệu quả. Có 96,13% cơ quan tổ chức hội nghị CBCC, 98,18 DN 100% vốn Nhà nước tổ chức ĐH CNVC; 58,68% Cty cổ phần, Cty TNHH nơi đã thành lập CĐCS tổ chức hội nghị NLĐ.

 

Công tác vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cho CNLĐ tiếp tục được CĐ tại nhiều địa phương triển khai hiệu quả. Năm 2012, nguồn vốn phân bổ cho vay để giải quyết việc làm qua Tổng LĐLĐVN là 1,5 tỉ đồng, nâng tổng số vốn được giao quản lí là 63,8 tỉ đồng.

 

Cũng năm 2012 Tổng LĐLĐVN đã tham mưu đề xuất và được Ban Bí thư chấp thuận lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng Công nhân”. Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ và người sử dụng LĐ trong các loại hình DN từ 2009-2012” theo QĐ 31/2009 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp CĐ đã phát hành gần 300.000 tài liệu tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi NLĐ.

 

Đặc biệt được đánh giá cao là chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” với thông điệp “Mỗi người một tin nhắn, cả hệ thống CĐ sẽ cùng ngư dân ra khơi” do Tổng LĐLĐVN phát động, tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo CB, đoàn viên, NLĐ, các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước. Tổng LĐLĐVN tiếp tục phát động lần thứ 3 năm 2012 chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa và Trường Sa”. Qua các đợt phát động, đến nay đã tiếp nhận hơn 30 tỉ đồng ủng hộ cho các ngư dân.

 

Tuy nhiên, việc giải quyết các kiến nghị của CNVCLĐ, tổ chức CĐ, đặc biệt liên quan tới một số vấn đề bức xúc cấp bách như NQ20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng khóa X đề cập và đã được Thủ tướng kết luận, nhìn chung còn chậm, chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, đôi lúc ‎ý kiến của Tổng LĐLĐVN và các cấp CĐ chưa được coi trọng, tiếp thu và phản hồi…

 

Một trong những kiến nghị của Tổng LĐLĐVN đưa ra tại buổi làm việc là:  Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Để hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định giao cho các Bộ ngành liên quan phối hợp với Tổng LĐLĐVN tham mưu cho Chính phủ xây dựng 3 dự thảo Nghị định.

 

Hiện nay, 2 dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 10 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì và dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 11 do Bộ Nội vụ chủ trì đã hoàn tất để lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan trình Chính phủ ký ban hành; Riêng Nghị định hướng dẫn Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn đang được Bộ Tài chính và Tổng LĐLĐVN xây dựng, song tiến độ còn chậm, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để sớm được ban hành.

 

Đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật Công đoàn, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ lao động – Thương binh và Xã hội đưa vào trong dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động. Qua nghiên cứu Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7/2013 thì hành vi vi phạm pháp luật Công đoàn không được quy định trong Khoản 2 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính mà phải thực hiện theo Khoản 4 Điều 24 của Luật này. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung hành vi vi phạm pháp luật về Công đoàn để làm cơ sở cho Chính phủ hướng dẫn Khoản 2 Điều 31 Luật Công đoàn (có thể đưa chung vào dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động).

 

Một trong những kiến nghị của Tổng LĐLĐVN là hiện một số bệnh nghề nghiệp như vẹo cột sống, nấm da, giảm thị lực ở các ngành nghề LĐ nặng nhọc, độc hại như đối với CNLĐ ngành cao su…chưa được Nhà nước công nhận bệnh nghề nghiệp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp.

Theo T.E.A

Lao Động