Thủ tướng: "Hợp tác về khoa học công nghệ là không có giới hạn"
(Dân trí) - "Việt Nam và Romania có trở ngại về khoảng cách địa lý, nhưng sự hợp tác về khoa học công nghệ sẽ xóa tan trở ngại này", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói hợp tác khoa học công nghệ là không có giới hạn.
Sáng 21/1 (giờ địa phương), nhân chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia (ICI).
Tổng Giám đốc ICI Adrian Victor Vevera chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính - một cựu sinh viên Romania, đến thăm đơn vị.
Theo ông, mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng trên cơ sở lòng tin đã tạo cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững cho cả hai nước thông qua đổi mới sáng tạo. Việt Nam và Romania cũng có những điểm tương đồng và thế mạnh để đánh dấu vị thế trên thế giới.
Chào mọi người bằng tiếng Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định quan hệ hai nước hơn 70 năm qua có lúc thăng trầm, có lúc đột phá. Thủ tướng cho biết có rất nhiều người Việt Nam học tập ở Romania đã trưởng thành, trở thành tiến sĩ, giáo sư, bộ trưởng, nhà quản lý ngành xây dựng, công nghệ thông tin…
Ông nhắc lại thời điểm thúc đẩy hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Romania đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục các nước EU phê duyệt hiệp định này.
Romania cũng là một trong những nước đầu tiên thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU. Nhờ điều này, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và EU tăng 2-3 lần những năm qua, kể cả giai đoạn dịch Covid-19.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 735 tỷ USD, gần gấp đôi tăng trưởng của đất nước. Con số này năm 2023 là gần 700 tỷ USD, dù còn nhiều khó khăn.
Nói về những điểm sáng ấy, Thủ tướng muốn cảm ơn "người bạn" Romania với nhiều sự giúp đỡ trong quá khứ.
Hướng tới tương lai, Thủ tướng đề nghị hai bên bàn chuyện hợp tác về công nghệ thông tin, về AI, khi Romania có Viện Nghiên cứu ICI, còn Việt Nam cũng đã có Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
"Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới giúp Việt Nam và Romania phát triển nhanh, bền vững", theo lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay giữa hai bên là khoảng cách địa lý, nhưng công nghệ thông tin và AI sẽ xóa tan trở ngại này bằng cách làm việc gián tiếp thay vì trực tiếp. "Thời gian hôm nay có hạn nhưng hợp tác về công nghệ thông tin là không có giới hạn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên cần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh.
Yếu tố quyết định của việc này, theo bà Hồng, là việc an toàn và bảo mật thông tin. Bà cho biết tới đây sẽ phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị về an ninh mạng và bảo mật trong hệ thống ngân hàng, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản cho người sử dụng.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh mạng. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhắc đến hợp tác trong phòng chống tội phạm mạng. "Hợp tác xuyên biên giới để chống tội phạm mạng cũng rất quan trọng", ông Quang nói.
Với sự đồng ý của Thủ tướng và Tổng Giám đốc ICI, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết Cục trưởng Cục An ninh mạng và Giám đốc Trung tâm bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh mạng của Việt Nam sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này với các đồng nghiệp Romania.
Sau buổi làm việc, hai bên đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Rumani và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam.
Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia (ICI) được thành lập từ 1970, có nhiều đóng góp tích cực trong đổi mới sáng tạo. Viện có khoảng 250 chuyên gia nghiên cứu, là những người thích thay đổi, chấp nhận thách thức nhằm đem lại lợi ích cho người dân, tăng cường hợp tác quốc tế.
ICI có một vị trí thuận lợi để phối hợp giữa Chính phủ, giới học thuật, các cơ quan để phát triển lĩnh vực này. Nhiệm vụ của Viện là thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để phát triển tốt hơn.
Viện ICI là cơ quan thiết lập mạng Internet ở Romania, xây dựng trung tâm dữ liệu, dự án điện toán đám mây cho các cơ sở của Nhà nước, xây dựng siêu máy tính, thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng, tiên phong trong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain), thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động; xây dựng sàn giao dịch ảo…
Hoài Thu (Từ Bucharest, Romania)