Thủ tướng động viên, nhiều "ông lớn" muốn chung tay xây cao tốc, đường sắt

Hoài Thu

(Dân trí) - Nêu nhiều bất cập trong thực tiễn, đại diện các tập đoàn lớn khẳng định nếu được Chính phủ tháo gỡ khó khăn, họ đủ tiềm lực và khả năng chung tay thực hiện các dự án quan trọng của đất nước.

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".

Thủ tướng nhắc đến điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Bởi nếu cứ tăng trưởng "bình bình", không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm.

Thủ tướng động viên, nhiều ông lớn muốn chung tay xây cao tốc, đường sắt - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số", Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại cuộc gặp lần này, lãnh đạo Chính phủ muốn doanh nghiệp chia sẻ, đăng ký những việc có thể làm và đề xuất cơ chế, chính sách để làm, miễn là không tư lợi.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; giao Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao…

Với quan điểm "mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế", ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, cam kết giai đoạn 2025-2030, doanh nghiệp này sẽ duy trì mức tăng trưởng không dưới 15%.

Thủ tướng động viên, nhiều ông lớn muốn chung tay xây cao tốc, đường sắt - 2

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nêu kiến nghị của ngành thép, ông Long phản ánh thực tế toàn ngành đang phụ thuộc vào nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng mỗi năm, trong đó 95% được nhập từ các thị trường như Úc và Brazil.

Với thực tế này, mỗi năm ngành thép phải chi không dưới 3 tỷ USD cho nhập khẩu, trong khi đó, Việt Nam sở hữu một số mỏ quặng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Nhắc đến hai mỏ quặng sắt lớn là Quý Xa và Thạch Khê, ông Long kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức đấu thầu khai thác trong quý I năm nay để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu trong nước. "Nếu để mỏ không được khai thác, tài nguyên sẽ bị lãng phí trong khi ngành thép vẫn phải chi ngoại tệ nhập khẩu", ông Long nói.

Nhắc đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Long cho rằng nếu được Chính phủ tháo gỡ khó khăn, việc phát triển ngành thép nội địa sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Giai đoạn 2025-2030 có nhiều dự án đầu tư công rất lớn, ngoài đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn có các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM, đường sắt kết nối với Trung Quốc như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông cho biết tới đây Hòa Phát có thể khởi công đầu tư nhà máy sản xuất ray với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Vì vậy, ông Long mong có một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

"Nếu được giao, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư sản xuất các vật liệu liên quan, đầu tư máy móc thi công", lãnh đạo Hòa Phát cam kết với máy móc, thiết bị hiện có, Hòa Phát đủ năng lực cung cấp các sản phẩm ray thép, thép chế tạo đảm bảo chất lượng làm trục bánh xe tàu hỏa, phụ kiện đường sắt.

Với tính toán 3 dự án đường sắt hiện tại cần khoảng 10 triệu tấn thép, ông Long khẳng định cung cấp đủ khối lượng này, đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ cung cấp và cam kết giá thành thấp hơn hàng nhập khẩu.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), cũng chia sẻ kế hoạch sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.

Thủ tướng động viên, nhiều ông lớn muốn chung tay xây cao tốc, đường sắt - 3

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải, đánh giá trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, cải thiện việc chậm tiến độ, đội vốn. Việc nâng tiến độ, đưa công trình vào khai thác đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Để đạt được những kết quả đó, theo ông, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ, ngành đã truyền cho các chủ thể liên quan một luồng gió mới, một cảm hứng để phát triển.

Chia sẻ kiến nghị, ông Hải cho biết theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo hành công trình cấp 1 trở lên là 24 tháng (2 năm). Nhưng Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất được bảo hành 10 năm. Trong trường hợp này, Tập đoàn đề xuất khi nhà thầu tự nguyện cam kết bảo hành 10 năm thì chủ đầu tư chỉ giữ lại khoản bảo lãnh trong 2 năm, không cần giữ lại khoản bảo lãnh 10 năm, để tránh đọng vốn của nhà thầu.