Sắp trình Quốc hội dự án đường sắt hơn 203.000 tỷ đồng nối với Trung Quốc

Hoài Thu

(Dân trí) - Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là trục chính đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường sắt, có kết nối quốc tế. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD).

Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự kiến, nội dung này sẽ được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng. Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km.

Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Sắp trình Quốc hội dự án đường sắt hơn 203.000 tỷ đồng nối với Trung Quốc - 1

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến trục chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường sắt (Ảnh minh họa: Hoài Sơn).

Chính phủ nhận định đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến trục chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường sắt và có kết nối quốc tế, với khổ 1.435mm.

Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tuyến đường sắt mới cần vận chuyển hành khách và hàng hóa; đồng thời tuyến sẽ kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt Hà Khẩu Bắc - Ngọc Khê của Trung Quốc đang khai thác chung hành khách và hàng hóa.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất công năng của tuyến đường sắt mới là vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ đảm nhận vận tải hành khách nội địa, du lịch chặng ngắn, vận chuyển một số chủng loại hàng hóa có sẵn chân hàng kết nối trực tiếp với tuyến đường sắt.

Tuyến chính của dự án được đề xuất tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội là 120km/h, các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đáp ứng nguyên tắc: phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch địa phương; bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường; phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu.

Dự án cũng hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng; bảo đảm kết nối thuận lợi với các trung tâm đô thị, khu chức năng quan trọng, kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kết nối Trung Quốc.

Về tiến độ, theo kiến nghị của Chính phủ, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.

Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việc này cũng sẽ tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.