1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Đã lâu rồi mà chưa giải quyết "cái áo quá chật" cho TPHCM

(Dân trí) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM từng trình bày “cái áo đã quá chật” với Bộ Chính trị, Chính phủ. “Vậy cái áo quá chật là như thế nào? Ở đâu? Các bộ phải suy nghĩ lấy, tôi tới đây mấy lần rồi mà vẫn chưa giải quyết được cái áo quá chật cho TP”, Thủ tướng nói.

Nhờ Chính phủ Hà Lan hỗ trợ chống ngập cho TP

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM diễn ra ngày 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “TPHCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho đất nước. Đi đầu trong đổi mới sáng tạo, mô hình mới và tạo sức lan tỏa. Tôi đặc biệt ấn tượng về sự năng động, xu hướng tích cực của TP”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của TPHCM cho kinh tế cả nước (ảnh Nguyễn Quang)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của TPHCM cho kinh tế cả nước (ảnh Nguyễn Quang)

Song Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, bất cập và những thách thức mà TPHCM đang đối mặt.

Theo Thủ tướng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng của TP; cơ cấu sử dụng đất cũng chưa hợp lý… “Nguyên nhân nào khiến nhiều năm qua TP chậm mở thêm khu công nghiệp?” – Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng cũng “điểm mặt” những thách thức của một siêu đô thị mà TP đang đối mặt như: áp lực hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, ngập nước, biến đổi khí hậu, kết nối giao thông với sân bay chậm, phân bổ dân cư, năng suất lao động… TP cũng tồn tại những vấn đề như thu hồi đất chậm, không gian phát triển bị thu hẹp.

“Nếu không có giải pháp tốt để giải quyết những vấn đề này thì sẽ làm TP mất đi tính hấp dẫn, cạnh tranh. TP cần phát triển hài hòa không gian đô thị, cơ cấu sử dụng đất hợp lý hơn”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị TP đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng, tập trung tháo gỡ những nút thắt ở tuyến đường vành đai 3 để tăng cường kết nối giao thông vận tải.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cơ bản đồng ý với những kiến nghị của TPHCM (ảnh Nguyễn Quang)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cơ bản đồng ý với những kiến nghị của TPHCM (ảnh Nguyễn Quang)

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ủng hộ TPHCM làm đề án phát triển kinh tế vùng. Theo đó, phải có cơ chế cho TP thể hiện được vai trò dẫn dắt, điều phối phát triển kinh tế. “TP cần chủ động xây dựng cơ chế phát triển, liên kết vùng. TP vệ tinh của TP chính là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… TP cần mở rộng thị trường, nguồn nguyên liệu thông qua cơ chế hợp tác, để đôi bên cùng hưởng lợi.

Thủ tướng “đặt hàng” TPHCM phải nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa, tạo ra đột phá mới trong đầu tư kinh tế tư nhân. Đồng thời, TP cần làm tốt vai trò trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo. TP phải tạo dựng cơ chế để thu hút nhân tài, chuyên gia nước ngoài về làm việc, cống hiến cho TP.

Thủ tướng cũng ủng hộ TP tập trung lực lượng khoa học xây dựng đề án chống ngập. Việc này phải căn cơ và trong dài hạn.

“Sắp tới đi Hà Lan, tôi sẽ bàn với Chính phủ Hà Lan về hiệp định hỗ trợ TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long trong chống ngập. Nước Hà Lan có TP nằm thấp hơn mực nước biển nhưng họ vẫn sống bình thường vì họ có chủ trương chống ngập sớm. Mình không hợp tác, chậm chân dễ nguy hiểm”, Thủ tướng nói.

Đã lâu mà chưa giải quyết… “cái áo đã quá chật”

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp cùng TPHCM xử lý nhanh các điểm nghẽn về nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai… Theo ông, TPHCM từng trình bày với Bộ Chính trị, Chính phủ về “cái áo đã quá chật”.

“Vậy cái áo quá chật là như thế nào? Ở đâu? Các bộ phải suy nghĩ lấy, tôi tới đây mấy lần rồi mà vẫn chưa giải quyết được cái áo quá chật cho TP”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng với những đối mới của TPHCM (ảnh Nguyễn Quang)
Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng với những đối mới của TPHCM (ảnh Nguyễn Quang)

Thủ tướng cũng đề nghị TPHCM cần chủ động mạnh dạn nghiên cứu đề xuất Trung ương kể cả xây dựng luật, phân cấp ủy quyền, quản lý tài chính theo hướng tạo điều kiện tự chủ sáng tạo, khai thác nguồn lực xã hội hiệu quả để tạo dựng sự phát triển cho TP.

“Không phải chờ nước đến chân mới nhảy. Có một bộ phận nghiên cứu cho TPHCM là rất quan trọng. TP có cơ chế nào cho đô thị siêu phát triển, phải phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm. Mô hình phát triển TPHCM không giống với các địa phương, quận cũng khác, quy mô sở cũng khác”, Thủ tướng gợi ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến vai trò của đội ngũ lãnh đạo TPHCM, hệ thống chính trị TP. “Lãnh đạo TPHCM cần đổi mới tư duy dám nghĩ, dám làm. Hãy vượt qua suy nghĩ TP đã đạt đến ngưỡng phát triển rồi, không cần phát triển bứt phá. Hãy vượt qua tâm lý an toàn là trên hết, để tìm cách đổi mới, tìm những ý tưởng mới. Chính phủ sẽ cùng giải quyết các khó khăn và song hành cùng cách làm mới của TP”, ông Phúc nói.

Chốt lại cuộc họp, Thủ tướng cho biết cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP như nâng cao tỷ lệ điều tiết ngân sách, bố trí vốn cho chương trình mục tiêu từ các nguồn khác như thưởng vượt thu để tạo điều kiện phát triển, bổ sung vốn phát triển hạ tầng chống ngập…

Về việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 - vào năm 2021, Thủ tướng cho biết Hà Nội và TPHCM đều xin đăng ký. Theo ông, cơ bản cả hai địa phương đều chuẩn bị đảm bảo điều kiện phục vụ.

“Nhưng lưu ý xã hội hóa mạnh mẽ chi phí, các hạng mục thi đấu cần đảm bảo. Tôi giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề xuất chọn một trong hai địa phương đăng cai”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoàn chỉnh văn bản kết luận của Thủ tướng về các kiến nghị của TP. Ông tin tưởng rằng thời gian tới, TPHCM sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch…

Quốc Anh – Công Quang