Thủ tướng: "Chống chạy chọt khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo yêu cầu của Thủ tướng, bên cạnh việc giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Tinh thần chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" quán triệt, khi chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, sáng 12/12.

Theo báo cáo, đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Thủ tướng: Chống chạy chọt khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy - 1

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc quản lý tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư công trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước…

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, với quan điểm "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ" theo chỉ đạo của Trung ương.

Thủ tướng: Chống chạy chọt khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy - 2

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Lãnh đạo Chính phủ cũng quán triệt cần đề cao trách nhiệm, đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, lựa chọn phương án phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Cùng với cho ý kiến về một số nội dung, vấn đề cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy song phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, các chức năng, nhiệm vụ không bỏ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường.

Giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp... cũng là định hướng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.

Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng lưu ý cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Thủ tướng: Chống chạy chọt khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải chống tình trạng chạy chọt (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, theo Thủ tướng, cần tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và có thời kỳ quá độ phù hợp. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông yêu cầu các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, hoàn thành.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án đảm bảo quản lý Nhà nước và phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, cơ quan hoàn thiện đề án; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án chung của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền, đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Theo Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan thuộc Chính phủ).

Ban Chỉ đạo của Chính phủ đưa ra phương án duy trì 8 Bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

14 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc diện cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất. Trong đó:

Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.

Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

- Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông.

Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động. Đồng thời, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.