Bàn phương án hợp nhất, gợi ý tên gọi mới cho Bộ TT&TT và Bộ KH&CN
(Dân trí) - Sau khi hợp nhất nguyên trạng 2 Bộ, Phó Thủ tướng gợi ý tên gọi mới là Bộ Công nghệ và Truyền thông, hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Theo ông, tên gọi này bao hàm được các lĩnh vực.
Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học và Công nghệ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phó Thủ tướng nhận định việc hợp nhất hai Bộ là quyết định hết sức đúng đắn, để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ.
Chủ trương này cũng nhằm đồng bộ về mặt chính sách, thuận lợi cho việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các giải pháp công nghệ, truyền thông, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tên gọi mới phải có sức sống lâu dài, trở thành thương hiệu
"Bước sang kỷ nguyên mới, chúng ta phải vươn mình. Muốn vươn mình, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, chi thường xuyên phải giảm, hoạt động thị trường phải tăng lên, công nghệ phải áp dụng một cách mạnh mẽ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đánh giá cao Bộ trưởng hai Bộ và hai ban cán sự đảng đã phối hợp tốt, có sự đồng thuận, thống nhất cao về một số vấn đề, phù hợp với tiêu chí và vì lợi ích chung mà sẵn sàng chia sẻ, chịu thiệt thòi.
Nhấn mạnh việc tiến hành hợp nhất phải đảm bảo nhanh gọn nhất, hiệu quả nhất mà bộ máy vẫn hoạt động bình thường, Phó Thủ tướng cho rằng đây là cuộc đại cách mạng.
Phương án đưa ra phải hài hòa với các bộ, ngành, sau khi hoàn tất việc sáp nhập là sẽ thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo hiệu quả của công việc, theo lời lãnh đạo Chính phủ.
Liên quan đến tên gọi sau hợp nhất, Phó Thủ tướng gợi mở cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu.
Theo ông, chức năng nhiệm vụ của hai Bộ rất lớn và sẽ được quy định trong nghị định, nên không đưa nhiều vào tên gọi để tránh tên quá dài, thay vào đó chỉ nên chọn "mẫu số chung".
Gợi ý tên gọi là Bộ Công nghệ và Truyền thông, hay Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, Phó Thủ tướng lý giải tên gọi này vừa làm công nghệ, vừa làm truyền thông, bao hàm được các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc sắp xếp hai tờ báo Vietnamnet và Vnexpress, các đơn vị sự nghiệp công lập khác (trường đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học). Phó Thủ tướng đề nghị hai bộ hoàn thiện lại đề án, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, dự thảo nghị định để sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương là triển khai luôn.
Hợp nhất nguyên trạng 2 bộ để tối ưu hóa thế mạnh
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, hai Bộ thống nhất hợp nhất nguyên trạng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để cộng hưởng, tối ưu hóa thế mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay đang có hơn 5.000 doanh nghiệp công nghệ số, hợp nhất lại sẽ có cơ hội phát triển.
Hai Bộ cũng thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo chung xây dựng đề án hợp nhất. Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất vào ngày 10/12. Hai Bộ đang phối hợp xây dựng các dự thảo, văn bản theo yêu cầu của Chính phủ, các đề án trình Chính phủ, dự kiến trình trong ngày 12/12.
Về bộ máy, Bộ Thông tin và Truyền thông có 26 đơn vị, Bộ Khoa học và Công nghệ có 22 đơn vị, tổng số là 48 đơn vị. Hai Bộ thống nhất sau khi sắp xếp giảm xuống 34 đơn vị.
Hai bên cũng thống nhất có lộ trình sắp xếp một cơ quan báo chí của Bộ (hiện có 2 báo là Vietnamnet và Vnexpress). Công tác cán bộ được 2 đơn vị thống nhất nguyên tắc sắp xếp phù hợp, đảm bảo cân đối hai bên.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng nêu một số nội dung 2 Bộ đang trao đổi thảo luận về tên bộ, việc hợp nhất 3 đơn vị sự nghiệp; kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn chế độ chính sách hợp lý.
"Bộ nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên số 1 là các cơ quan, đơn vị đoàn kết, hòa nhập nhau, đảm bảo chính sách phù hợp cho anh em công chức, viên chức, người lao động…", ông Phương nói.