1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về quan điểm để Covid-19 tràn vào tạo miễn dịch?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam không thể “chủ động cho Covid-19 lan truyền” để nhanh chóng tạo miễn dịch trong cộng đồng vì không thể ứng phó nếu số ca bệnh tăng vọt…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là người đại diện ngành y tế tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại UB Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11/3/2020.

Cắt giảm số ngày cách ly nếu xét nghiệm âm tính

Nói về khả năng cách ly, kiểm soát trong những ngày tới, khi dự báo số ca bệnh phát hiện sẽ tiếp tục tăng lên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề cập chủ trương giảm mật độ người cách ly bằng cách, sau 3 ngày cách ly tập trung, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, cá nhân đó sẽ được giảm thời hạn, cho về cách ly tại nhà cho đủ thời hạn 14 ngày.

Điều kiện để thay đổi biện pháp cách ly là người đó phải cam kết và được giám sát để chấp hành yêu cầu ở nhà, không ra cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về quan điểm để Covid-19 tràn vào tạo miễn dịch? - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới.

Vấn đề khác cần quan tâm trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19 là việc phân tuyến điều trị. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, những diễn biến ở Vũ Hán cho thấy bài học đắt giá phải rút ra, cần tránh tập trung lượng bệnh nhân quá lớn ở một địa điểm, một tuyến điều trị. Do gom, dồn lượng bệnh nhân quá lớn vào Vũ Hán, ngành y tế tại đây bị quá tải, không đủ lực lượng để làm công tác chuyên môn.

Nhận định 80% số bệnh nhân nhiễm Covid-19 có biểu hiện nhẹ, thường tự khỏi, Việt Nam đã phân bố ở tất cả các tuyến, không vận chuyển lên tuyến trên để tránh hiện tượng quá tải.

Giải đáp những thắc mắc về việc phân biệt các đối tượng “F0”, “F1”, “F2”… và các mức độ cách ly, Thứ trưởng Bộ Y tế nói rõ, cơ quan y tế không dùng khái niệm này nhưng nguyên tắc có thể khái quát là, đối tượng tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì buộc phải cách ly tập trung. Người tiếp xúc với người tiếp xúc thì cách ly tại nhà.

Kết quả xét nghiệm của người tiếp xúc trực tiếp với người bênh mà âm tính (như trường hợp Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng) thì những người tiếp xúc với người này không thuộc diện phải cách ly. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính thì những người tiếp xúc với người này lại cần cách ly tập trung.

"Làm sao để dân an, dân tin nhà nước"

Về vấn đề truyền thông, Thứ trưởng Long bác bỏ vấn đề dư luận rộ lên 1-2 ngày qua là giảm can thiệp, kiểm soát, để virus lan truyền tự nhiên nhằm tạo miễn dịch nhanh trong cộng đồng.

“Việt Nam không thể làm như thế vì tiềm lực không đủ để ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng cao vọt. Thực hiện biện pháp này, nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi cũng không thể đủ sức chống đỡ khi Việt Nam không có mấy viện dưỡng lão, gia đình nào cũng có người già, người trẻ cùng chung sống. Vậy nên, chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công” – GS.TS Nguyễn Thanh Long giải thích.

Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về quan điểm để Covid-19 tràn vào tạo miễn dịch? - 2
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai biện pháp phòng chống dịch Covid trong tình hình mới do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Như vậy, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch nhấn mạnh, việc làm thế nào để dân an, dân yên tâm, dân bình tĩnh, tin tưởng và nghe theo các hướng dẫn của cơ quan nhà nước để ứng phó dịch là điều quan trọng hàng đầu. Cần huy động mỗi người dân, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên vào cuộc cũng vì lý do đó.

Trao đổi lại thông tin thiếu hụt khẩu trang y tế tại một số địa phương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế xác nhận, hiện tượng này xảy ra trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Dư luận đã từng phát sốt khi thấy cảnh những dòng người xếp hàng dài nhiều kilomet để mua khẩu trang ở Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, đồng nghiệp của ông ở các nước cũng thiếu khẩu trang y tế và không thể mua được ở các hiệu thuốc.

Khi xuất hiện hiện tượng đó, cơ quan y tế đã hướng dẫn việc sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế sử dụng 1 lần.

“Việt Nam là một cường quốc dệt may, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu khẩu trang vải. Chính phủ đã quyết định miễn cho các loại nguyên liệu sản xuất khẩu trang nhưng vấn đề, trước nay, mặt hàng này, Việt Nam hầu hết nhập từ Trung Quốc mà nước bạn đã ngưng trệ sản xuất, đóng băng các hoạt động vì bệnh dịch vừa qua nên nguồn cung gặp khó. Các cơ quan đang đốc thúc tìm nguồn nguyên liệu khác và tính tới sản xuất nguyên liệu làm khẩu trang ngay trong nước” – ông Long thông tin.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo hạn chế xuất khẩu khẩu trang, không đưa mặt hàng này ra nước ngoài trừ trường hợp có lệnh của Thủ tướng vì mục đích nhân đạo.

Theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp có năng lực sản xuất khẩu trang. Khi có nguyên liệu, yêu cầu tăng cường sản xuất khẩu trang sẽ giải quyết được.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng hướng dẫn, địa phương nào có yêu cầu cấp thiết có thể báo cáo, Bộ Y tế sẽ tổ chức cấp phát.

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm