1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thu phí vỉa hè để có lối cho người đi bộ và tạo sinh kế cho người dân

Tâm Linh

(Dân trí) - Đó là tinh thần của đề án thu phí vỉa hè ở TPHCM, được cơ quan chức năng và các chuyên gia, cấp quản lý địa phương bám sát thực hiện, từ đó phát triển kinh tế vỉa hè một cách hiệu quả.

Nhu cầu giao thông lẫn mưu sinh ở thành phố ngày càng tăng cao. Đô thị TPHCM kẹt xe phát sinh câu chuyện leo lề "điền vào chỗ trống", thiếu chỗ đậu xe dẫn đến phương tiện tràn ra vỉa hè, lòng đường. Người kinh doanh vì mưu sinh đã bủa vây hè phố bằng đủ loại hàng hóa, người bán hàng rong nay đây mai đó khắp các vỉa hè.

Để khắc phục tình trạng "vô tổ chức" trên, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 11, khóa X, diễn ra ngày 19/9, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, việc thu phí được áp dụng kể từ ngày 1/1 năm nay.

Thu phí vỉa hè để có lối cho người đi bộ và tạo sinh kế cho người dân - 1

Vỉa hè và lòng đường Lê Đại Hành, quận 11, bị "chiếm đóng" bởi hàng quán (Ảnh: Nam Anh).

Gần 900 tuyến đường có vỉa hè nằm trong diện thu phí

Theo thống kê của Sở GTVT, TPHCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).

Phần vỉa hè, lòng đường thu phí phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông; phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố; phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Sở GTVT TPHCM vừa có công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, trong đó có danh sách cụ thể gần 900 tuyến đường chia theo 5 khu vực đủ điều kiện.

Khu vực 1 có 207 tuyến; khu vực 2 có 277 tuyến; khu vực 3 có 248 tuyến; khu vực 4 có 125 tuyến và 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ - khu vực 5. Các địa phương sẽ tiếp tục cập nhật những tuyến khác đủ điều kiện.

Cụ thể, các địa phương có nhiều tuyến đường được "trưng dụng" cho thu phí gồm quận Tân Phú (hơn 130 tuyến); quận 1, Tân Bình và huyện Bình Chánh (gần 100 tuyến); quận 7, 8, 11, Bình Thạnh (hơn 50 tuyến)... 

Nhiều đường được dùng toàn bộ dọc tuyến tập trung ở quận 1, 7, Bình Thạnh, Tân Phú. Những quận, huyện khác và TP Thủ Đức thì rải rác từ chục tuyến trở lên.

Theo hướng dẫn của Sở GTVT, hè phố đủ điều kiện thu phí phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất 2 làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại phải xem xét nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Thu phí vỉa hè để có lối cho người đi bộ và tạo sinh kế cho người dân - 2

(Nguồn: Sở Giao thông Vận tải TPHCM).

Hai luồng ý kiến

Thông tin về thu phí vỉa hè dấy lên 2 luồng quan điểm trái ngược. Trong khi nhiều người ủng hộ thực hiện để giúp hoạt động kinh doanh thường ngày trở lên quy củ, trật tự hơn, thì ở chiều đối lập, không ít ý kiến phản đối, nghi ngờ về tính hiệu quả của đề xuất này.

Có người dân chưa đồng tình với thu phí: "Đã là vỉa hè phải dành cho người đi bộ. Nên dẹp hết, cấm không cho bán hàng để còn có lối đi. Cứ đi bộ dưới lòng đường vừa nguy hiểm lại thêm ách tắc giao thông".

"Làm thế này tưởng hợp lý nhưng sẽ bị lợi dụng và biến tướng không kiểm soát được. Nên tìm hiểu xem nước ngoài họ làm thế nào mà đường phố sạch sẽ, văn minh vậy. Bao nhiêu năm nay, vỉa hè của chúng ta luôn bát nháo, không sao ổn định được", một độc giả nói.

Ở chiều ngược lại, người dân ủng hộ. Một phụ huynh đón con ở trường học trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) phản ánh vỉa hè trước trường này bị bủa vây bởi hàng rong.

"Có nhiều người bán hàng rong đang sử dụng lòng lề đường từ lâu và mặc định vị trí đó là sở hữu riêng của họ. Họ lấn chiếm không gian của người đi bộ, đun nấu, xả rác khiến vỉa hè cực kỳ nhếch nhác. Khi thành phố áp dụng thu phí vỉa hè như trên tôi rất ủng hộ", người này nói.

Một độc giả báo Dân trí bình luận: "Việc thu phí vỉa hè trước tiên sẽ rất hữu ích với ngân sách Nhà nước. Tôi ủng hộ đề xuất này. Những người kinh doanh vỉa hè thu lợi rất lớn, họ cần phải đóng thuế cho Nhà nước".

Trong các ý kiến ủng hộ thể hiện quan trọng nhất vẫn là cách quản lý. Đối tượng thu phí là ai, tiền thu xong sẽ về đâu, cách quản lý ra sao.

"Thực tế tôi thấy các quy định của mình rất nhiều nhưng thực hiện thì quá yếu. Giá mà mọi nghị định quy định đều được thực hiện nghiêm như nồng độ cồn thì vỉa hè sẽ thông thoáng, đường xá sẽ không lộn xộn", độc giả báo Dân trí trình bày.

Thu phí vỉa hè để có lối cho người đi bộ và tạo sinh kế cho người dân - 3

Bà Thảo bán trái cây vỉa hè hơn 20 năm trên đường Phan Chu Trinh mong muốn có một nơi để làm ăn ổn định (Ảnh: An Huy).

Quản lý vỉa hè một cách hài hòa nhưng nghiêm chỉnh

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã có báo cáo UBND thành phố về giải pháp quản lý và phát triển vỉa hè trên địa bàn.

Cơ quan này đưa ra quan điểm rằng các hoạt động kinh tế diễn ra trên vỉa hè sẽ tác động 2 mặt đến hình ảnh của TPHCM và dần tạo thành "nhãn dán" của người dân, du khách, đối tác đầu tư tìm đến thành phố, hướng tới định vị thương hiệu thành phố mang tên Bác.

Do đó, các hoạt động kinh tế vỉa hè dù ở thời điểm nào và lý do gì cũng cần lưu ý đến lợi ích dài hạn, tránh hiện tượng tiêu cực, mất an ninh trật tự đô thị.

Về những hệ lụy tiêu cực, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, kinh tế vỉa hè, kinh doanh hàng rong nếu không quản lý tốt sẽ tự phát triển cả về quy mô lẫn địa điểm hoạt động.

Từ đó, TPHCM trở thành nơi thu hút đông người dân nhập cư không có việc làm, gây áp lực gia tăng dân số, dễ dẫn đến quá tải và những hệ lụy khác về y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường, giao thông, tệ nạn, mất an ninh trật tự.

"Đã đến lúc phải thu phí hè phố. TPHCM đáng ra phải làm sớm hơn", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, chia sẻ quan điểm với phóng viên.

Trước hoang mang của nhiều người bán hàng rong tự phát khi không nằm trong diện được đóng phí sử dụng vỉa hè, lãnh đạo phòng quản lý đô thị tại một số quận ở TPHCM đã nói về vấn đề này. 

"Không có chuyện ông hàng xóm hay người lạ nào bưng bàn đến vỉa hè trước nhà để bán hàng… Nếu bản thân chủ nhà đó không kinh doanh gì, nhưng ông ấy lại đem bàn ghế ra trước vỉa hè buôn bán cũng không được", đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 giải thích.

Những người bán rong này cũng không được phép kinh doanh phía trước vỉa hè nhà người khác. Họ không thuộc đối tượng được đăng ký kinh doanh. Họ bán hàng trên vỉa hè là vi phạm, trật tự đô thị sẽ xử lý. Khi nào Nhà nước quy hoạch một khu vực bán hàng rong riêng, họ mới được vào kinh doanh.

"Đó là câu chuyện tương lai, nằm trong đề án của thành phố. Còn hiện nay, việc buôn bán trên hè phố thì chỉ có những nhà có tiếp giáp vỉa hè phía trước, đăng ký kinh doanh mới được sử dụng. Còn các khu công cộng, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, không được phép sử dụng vào việc riêng", vị này nói.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), cũng làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.

"Để tránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan (người sử dụng mặt bằng, chủ nhà…), địa phương phải lấy ý kiến của chủ nhà trước khi triển khai thu phí. Mặt khác, không phải vỉa hè, lòng đường nào tại TPHCM cũng có thể cho thuê để kinh doanh.

9h30 ngày 15/1, Báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả?

Buổi tọa đàm sẽ mang đến các thông tin cụ thể hơn về đề án thu phí vỉa hè ở TPHCM, cách thức thực hiện, những rào cản hiện hữu và giải pháp mang tính thực tế.

Diễn giả tham dự tọa đàm gồm: Ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM); ông Trần Hải Nguyên - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3; PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM và TS Dư Phước Tân - Chuyên gia Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Thu phí vỉa hè để có lối cho người đi bộ và tạo sinh kế cho người dân - 4