1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Thu phí lưu hành với xe máy là rất vô lý”

(Dân trí) - Việc Bộ GTVT đề xuất thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm được cho là 1 giải pháp chống ùn tắc. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, việc áp dụng thu phí lưu hành phương tiện cá nhân là bất hợp lý.

Xung quanh đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với các nhà chuyên môn trong ngành giao thông về tính khả thi và những hạn chế.
 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - người đã có nhiều năm nghiên cứu về giao thông công cộng (bảo vệ luận án tại Tiệp Khắc): “Một giải pháp thật là... kỳ lạ”

Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ?

Trong bối cảnh giao thông Hà Nội và TPHCM đang rối như tơ vò, ùn tắc liên miên, thì việc tìm ra các giải pháp là rất cần thiết. Đề xuất của Bộ GTVT có 2 loại phí là phí lưu hành đối với các phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm.

Phí đối với ô tô đi vào trung tâm là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng. Còn Bộ GTVT dự kiến áp dụng mức thu đối với xe máy là từ 500.000 - 1.000.000 đồng/năm thì tôi thấy bất cập.
 
“Thu phí lưu hành với xe máy là rất vô lý” - 1
Nhiều người không đồng tình về việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT trình Chính phủ

Bất cập ở đây là gì thưa ông?

Thu phí lưu hành đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là với xe máy là rất vô lý. Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới áp dụng thu phí lưu hành như đề xuất của Bộ GTVT.

Việc thu phí lưu hành ở đây đã đánh vào gánh nặng đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo khi không có ý nghĩa gì cả, cũng không nhằm mục tiêu nào cả. Bởi vì, mục tiêu chống ùn tắc thì thu phí trước bạ và phí trước bạ cũng đã tăng lên bao lần rồi, giờ lại thu thêm phí lưu hành là làm khó cho người dân.

Ông có ý kiến gì về việc lựa chọn giải pháp này?

Tôi đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề giao thông công cộng, vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị nhưng chưa từng biết đến loại phí nào gọi là phí lưu hành. Tôi nghi ngờ có thể đây là một cách mà người ta gọi khác đi cho loại phí bảo trì đường bộ. Không hiểu cá nhân hay đơn vị nào đã tham mưu cho Bộ trưởng một giải pháp thật là... kỳ lạ.

Việc thu loại phí này giống như dùng biện pháp hành chính để “siết quân luật”, điều này không khác gì việc đánh vào kinh tế để cấm người dân lưu thông bằng phương tiện cá nhân. Ngoài ra, mức phí từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm cũng là sự “đánh đồng” các phương tiện một cách vô lý, không đúng đối tượng.
 
PGS, TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học GTVT: “Thu phí lưu hành, đời sống người dân sẽ khó khăn hơn”

Xét về mặt tổng thể thì xe máy là phương tiện chiếm số đông, trong bối cảnh giao thông rối ren tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì xe máy cũng “góp phần” gây ùn tắc. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Xe máy không phải là thủ phạm gây ùn tắc giao thông, xe máy chỉ không đi được khi có ô tô chặn phía trước.

Ngân hàng Thế giới từng nói rằng, giao thông của Việt Nam tốt hơn một số nước đang phát triển là bởi người dân Việt Nam sử dụng phương tiện chủ yếu là xe máy.

Trong khi phương tiện công cộng chưa đủ năng lực và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thì khoảng 5-10 năm nữa xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu, bởi vậy tôi nghĩ vẫn nên khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng xe máy.

Trở lại vấn đề thu phí lưu hành phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ, ông có ý kiến gì về việc thu loại phí này?

Trong khi giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đông đúc như hiện nay thì theo tôi thu phí hay không thu phí nhưng giảm được lưu lượng phương tiện là việc trước sau cũng phải làm.

Nếu là bắt buộc thì sẽ thu được đối với những người có hộ khẩu và làm việc thường xuyên ở trong nội thành các thành phố lớn, tuy nhiên việc thu loại phí này đồng nghĩa với chi phí đời sống sẽ cao hơn, người dân sẽ khó khăn hơn.

Về cách thu và kiểm soát thu khi lưu lượng phương tiện quá lớn như hiện nay mà không làm ảnh hưởng đến giao thông thì phải xem xét đến mức độ phức tạp và sự tốn kém của nó. Tức là lượng càng đông thì cách chống thất thu càng phải chú ý và mức độ phức tạp càng lớn.

Nhưng nhiều ý kiến quan tâm đến mức thu từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng thì quá lớn đối với người thu nhập thấp, người nghèo. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu thu để giảm phương tiện thì đã tham gia giao thông là phải thu, không phân biệt ô tô hay xe máy, quan trọng nhất là mục tiêu thu để làm gì. Cùng với đó, việc quy định đâu là trung tâm, vị trí và cơ sở nào để quy định mức thu là điều phải tính đến.

Tuy nhiên, tất cả đều phải thực hiện theo lộ trình và thí điểm chứ không nên triển khai ồ ạt, nếu thấy khả thi thì mới nên nhân rộng, trường hợp không khả quan thì phải chiều theo phản ứng của người dân và định hướng cho những phản ứng đó có lợi cho giao thông.

Ngoài ra, cần phải cân nhắc tới những đối tượng sử dụng phương tiện bị thu phí để có những hỗ trợ, ưu tiên hoặc cân nhắc mức thu cho phù hợp nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm