Thu nhập trung bình của nam giới đang cao gấp rưỡi nữ giới

Thái Anh

(Dân trí) - Thông tin này được nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa nêu tại hội nghị nữ nghị sỹ AIPA (Liên nghị viện ASEAN) diễn ra chiều 8/9, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41.

Xóa bỏ bất bình đẳng bắt đầu từ lĩnh vực lao động, việc làm

Thu nhập trung bình của nam giới đang cao gấp rưỡi nữ giới - 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng chủ trì hội nghị nữ nghị sỹ AIPA.

Phát biểu khai mạc sự kiện này từ đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đề cập, chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị.

Theo bà Phóng, mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, những số liệu mới cập nhật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc.

Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó, chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng, xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu ASEAN muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Bà Tòng Thị Phóng cho biết, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm.

Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

17,6 triệu người giảm thu nhập vì Covid-19

Thu nhập trung bình của nam giới đang cao gấp rưỡi nữ giới - 2

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị.

Các phát biểu của các nữ nghị sỹ  Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar... đều cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến các ngành có nhiều lao động nữ.

Theo Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Hoàng Thị Hoa, tại Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và thu nhập bình đẳng. Trong quý II năm 2020,  lực lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% so với quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức giảm của lực lượng lao động nam trong độ tuổi. Tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4% cao hơn so với nam giới (2,14%). Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, cao hơn lao động nữ gần 1,5 lần (4,3 triệu đồng).

Bà Hoa cho biết, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được Covid-19, nhưng đại dịch đã tác động lớn đến thị trường lao động, đến người lao động trong đó có lao động nữ. Theo Tổng Cục thống kê, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với  khoảng 17,6 triệu người.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, để ứng phó với đại dịch, các nữ đại biểu Quốc hội và nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo thu nhập cho người lao động và hộ gia đình.

Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập đối với lao động nữ.