Nghị viện ASEAN thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin trên Biển Đông

Phương Thảo

(Dân trí) - Vùng biển giữa các nước Đông Nam Á đang bộc lộ những dòng dịch chuyển bất hợp pháp, tạo nên những thách thức an ninh phi truyền thống. Đây là một vấn đề được đặt ra với AIPA 41.

Ngay sau lễ khai mạc, sáng nay, 8/9, AIPA lần thứ 41 đã tiến hành phiên họp toàn thể thứ nhất dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nghị viện ASEAN thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin trên Biển Đông - 1

Phiên họp thứ nhất trong chương trình nghị sự của AIPA 41.

Dòng dịch chuyển bất hợp pháp trên biển

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Brunei Pehin Dato Abdul Rahman phân tích, bối cảnh các nước trong khu vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 và đều đang nỗ lực thích nghi với hiện trạng bình thường mới. Chủ tịch Quốc hội Brunei cho rằng, điều quan trọng là phải duy trì cách tiếp cận hướng về tương lai và thích nghi một cách cẩn trọng để bảo đảm tính tiếp nối các công việc của AIPA bằng cách duy trì tinh thần đoàn kết trong đa dạng của ASEAN.

Ông nói: “Tôi tin rằng AIPA sẽ hỗ trợ ASEAN vượt qua thách thức, phản ứng một cách hiệu quả trước tương lai sắp tới. Các Quốc hội thành viên AIPA cần thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan thông qua việc khuyến khích trao đổi kinh nghiệm kịp thời về việc giải quyết các hậu quả của dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội cần đánh giá đúng các thách thức của đại dịch và đưa ra các biện pháp kịp thời để bảo vệ lợi ích người dân, đặc biệt là các thành viên yếu thế nhất.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ quan tâm đến việc thiết lập Quỹ thích ứng với Covid-19  của ASEAN gần đây vì để đối phó với đại dịch cần có nguồn tài chính đáng kể cũng như vật tư, nhân lực và các nước cần chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia nhận định: “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải đoàn kết hơn để thúc đẩy việc nối lại dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và người dân giữa các nước trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết những nhu cầu thiết yếu nhất trong giai đoạn này”.

Thay mặt cho Hạ viện Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani đề cập đến một trọng tâm trong các chính sách phát triển của nước này là đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.

“Với tư cách là các Quốc hội ASEAN, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên ASEAN tuân thủ Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và bảo đảm những quyền, lợi ích chính đáng ở khu vực biển của những quốc gia ven biển. Hiện nay, COC (Bộ Quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc) cũng phải được xây dựng là một trong những nền tảng được các bên thống nhất lựa chọn để thúc đẩy đối thoại trong khu vực Biển Đông của các nước ASEAN để chúng ta có thể bảo đảm được chủ quyền, ổn định ở khu vực Biển Đông của chúng ta” - nữ Chủ tịch Hạ viện nói.

Bà Puan Maharani nêu thực tế, hiện đang có những dòng dịch chuyển bất hợp pháp, nhất là buôn bán người, buôn lậu… thông qua vùng biển Đông Nam Á. Để cùng nhau vượt qua những thách thức lớn như vậy, ASEAN phải có đủ niềm tin, sức mạnh và sự chủ động ứng phó.

Sức mạnh cộng hưởng của các nghị viện

Nghị viện ASEAN thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin trên Biển Đông - 2

Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam tại phiên thảo luận toàn thể của AIPA.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 tin tưởng, với sự điều hành kinh nghiệm của Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân, trên tinh thần tin cậy, đồng thuận, Đại hội đồng AIPA 41 sẽ thành công tốt đẹp.

Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPA năm nay là một vinh dự lớn đối với Quốc hội Việt nam khi năm 2020 trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Quốc hội Việt Nam tham gia AIPA. Với trách nhiệm cao nhất, Quốc hội Việt Nam khẳng định: tiếp tục đóng góp vào phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác trong ASEAN và AIPA, đồng thời kết nối AIPA với Tổng Thư ký IPU và các tổ chức nghị viện trên thế giới, hướng tới mục tiêu cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường”.

Theo bà Phóng, ASEAN đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt, những biến động mới trong môi trường địa - chiến lược cũng như sự nổi lên của những vấn đề toàn cầu và khu vực đòi hỏi các nước phải gắn kết, chủ động thích ứng hơn và duy trì vai trò trung tâm trong khu vực. Trưởng đoàn Việt Nam mong muốn thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường, ủng hộ ASEAN chủ động ứng phó, kiểm soát hiệu quả đại dịch đi đôi với khôi phục nền kinh tế; thúc đẩy phê chuẩn các thỏa thuận kinh tế khu vực, nhất là sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2020.

Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong đánh giá cao vai trò Chủ tịch AIPA năm 2020 của Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện, ông Martin Chungon cho rằng sự cộng hưởng giữa IPU và AIPA đã thúc đẩy thêm cho ngoại giao nghị viện, giúp các nghị viện của hai bên hợp tác ở tầm đa phương.

Thay mặt cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Fabrizio Hochschild bày tỏ trân trọng những cam kết của ASEAN đối với Liên Hợp Quốc và đối với chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh thế giới đang xảy ra nhiều bất ổn, sự tương tác giữa Liên Hợp Quốc với các Quốc hội sẽ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.

Ông Fabrizio Hochschild cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có cách tiếp cận nhiều bên, lấy người dân làm trung tâm, tăng cường hơn chủ nghĩa đa phương để đưa ra các kết quả tốt hơn cho người dân.