1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch: Bớt mùi hôi nhưng nước vẫn đen

(Dân trí) - Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đoạn sông Tô Lịch được thử nghiệm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C đã bớt mùi hôi nhưng vẫn còn màu đen.

Công ty Thoát nước Hà Nội vừa có báo cáo Sở Xây dựng kết quả bước đầu thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C. Chế phẩm này được Công ty Thoát nước rải xuống đoạn sông Tô Lịch rộng khoảng 200 m2, được chia làm hai vị trí là phố Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân).

Cả hai đoạn sông trên đều được quây kín bằng tấm sắt để mặt nước tĩnh, không có nước thải lưu thông.

Theo quan sát của phóng viên, hơn 10 ngày sau khi được xử lý bằng chế phẩm, đoạn sông Tô Lịch trong hơn so với dòng nước bên ngoài, nhưng vẫn còn màu đen.

Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch: Bớt mùi hôi nhưng nước vẫn đen - 1

Đoạn sông Tô Lịch được xử lý ô nhiễm bằng chất Redoxy-3C

“Đoạn sông thử nghiệm cho kết quả khả quan, trong đó lượng oxy đã tăng đáng kể và đã bớt mùi hôi thối”, bà Trần Thị Minh Hiền - Đội trưởng Đội Quản lý duy trì hồ, Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

Lý do nước ở đoạn sông Tô Lịch được xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C vẫn còn màu đen cũng được bà Hiền giải thích. Cụ thể, là do lớp bùn hoa ô nhiễm dưới lòng sông rất dày.

“Bùn hoa có đặc tính rất dễ chuyển động, chỉ cần chạm nhẹ vào là nó ở trạng thái khác nên rất khó xử lý”, bà Hiền nói.

Từ năm 2017 đến nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã dùng chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm cho 87/125 hồ trong nội thành của TP Hà Nội. “Chất lượng nước tất cả các hồ xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C đều đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, bà Hiền nói.

Ngoài đoạn sông được làm sạch bằng chế phẩm Redoxy 3C, từ ngày 16/5, một đoạn sông Tô Lịch dài hơn 200m cũng đã chính thức được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ của Nhật Bản. Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét.

Các chuyên gia đặt các hộp thiết bị bị xuống sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.

Kết quả bước đầu xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản cho thấy, các loại khí gây mùi hôi thối cũng đã giảm đáng kể; tại một số điểm đặt máy xử lý, độ dày của bùn giảm từ 15-20 cm.

Quang Phong