1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội gặp rào cản nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Bà Lê Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), nói cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội giảm được nguy cơ tẩu tán tài sản nhưng có nhiều vướng mắc.

"Trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ nói rất nhiều quan chức "lộ tài sản khủng" sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra khám xét. Một trong những giải pháp cần tính tới là ban hành đề án thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng. Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng đề án này ra sao và gặp những khó khăn, vướng mắc nào?", phóng viên Dân trí đặt vấn đề tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng 7/10.

Bà Lê Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, cho biết tháng 9/2023, Bộ Tư pháp đã có báo cáo bước đầu về đề án gửi Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục xác định quy mô, lộ trình, phương án để đảm bảo tính khả thi trong tình hình mới.

Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội gặp rào cản nào? - 1

Bà Lê Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

"Đây là một cơ chế đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Cơ chế có ưu điểm nhất định khi cho phép thu hồi tài sản dù chưa có đủ căn cứ chứng minh phạm tội và giảm gánh nặng cho cơ quan tố tụng. Nhưng các quốc gia áp dụng cũng có nhiều quan ngại khi cho phép thu hồi tài sản chỉ thông qua khởi kiện dân sự", bà Vân Anh nói.

Theo bà Vân Anh, việc thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội dù nhanh chóng hơn nhưng phát sinh các vấn đề liên quan đến chuẩn mực, tiêu chuẩn chứng minh giảm nhẹ hơn, ảnh hưởng tới quyền tài sản và nguyên tắc "suy đoán vô tội", quyền xét xử công bằng, quyền tài sản của người dân.

Bà Lê Vân Anh nhấn mạnh, cơ chế thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội muốn đảm bảo tính khả thi phải đảm bảo đồng bộ xã hội về đăng ký tài sản, kê khai tài sản, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phòng chống rửa tiền…

"Cơ chế này giảm được nguy cơ về tẩu tán tài sản, có nhiều tiến bộ, nhưng có nhiều băn khoăn như vậy. Chúng tôi đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để cố gắng đáp ứng đúng tiến độ  đặt ra, báo cáo Chính phủ trong năm 2025", bà Vân Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi khẳng định cơ quan này đang phối hợp với đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp phù hợp góp ý vào đề án trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm